Phía sau những vụ khởi tố, bắt giam các bên tranh chấp có phải là sự công tâm, khách quan của người tiến hành tố tụng hay xuất phát từ động cơ, lợi ích cá nhân.
|
Vô tình… bắt quả tang?
Sau các bài báo mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về tình trạng tái bùng phát quan tình trạng “hình sự hóa” tranh chấp dân sự, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được nhiều ý kiến chia xẻ từ các luật sư, những người sát cánh bên các “bị can, bị cáo” và tận mắt chứng kiến oan sai. Đa số các luật sư đều bày tỏ quan điểm, đây là những vụ việc không bình thường.
Trở lại với vụ án Vũ Đắc Lý, xảy ra năm 2005 tại khu vực An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Ông Vũ Đắc Lý bị bắt “quả tang” khi đang “cưỡng đoạt” tiền của công dân khác, theo nội dung bản kết luận điều tra và cáo trạng của VKSND tối cao. Thực tế, đây là việc nhận tiền theo thỏa thuận “góp tiền” để sử dụng đường. Vậy, tại sao điều tra viên lại biết và phục kích để “bắt quả tang” đối với ông Vũ Đắc Lý. Rõ ràng, có sự thống nhất kế hoạch giao tiền để bắt quả tang giữa điều tra viên và bị hại.
Đối với vụ án Nguyễn Văn Lượng, xảy ra tại Nam Định thì, giữa Công ty Tân Á và Công ty Thành Luân chỉ tồn tại số nợ 90 triệu đồng. Nhưng tại sao Công ty Tân Á lại gửi đơn đến Cơ quan điều tra C14 (nay là C45), Bộ Công an mà không phải là gửi đơn đến Cơ quan điều tra công an thành phố Nam Định hoặc Công an tỉnh Nam Định? Tại sao, biết rõ ràng thẩm quyền giải quyết “tố cáo” thuộc về Cơ quan điều tra công an thành phố Nam Định mà điều tra viên của C14 vẫn vào cuộc?
Nộp tiền thì hết tội là bình thường?
Còn chuyện ngược đời xảy ra trong vụ án chứng khoán “hồn Chương Ba, da Hàng thịt” tại Công ty chứng khoán Bảo Việt thì sao. Cơ quan điều tra xác định Công ty chứng khoán Bảo Việt là “bị hại” nhưng lại để “bị hại” đem tiền đi khắc phục hậu quả cho người đã có đơn gửi Cơ quan điều tra? Hơn nữa, việc khắc phục hậu quả một cách vô lý của Công ty chứng khoán Bảo Việt có liên quan gì đến 3 quyết định đình chỉ bị can thiếu căn cứ pháp luật của Cơ quan điều tra đối với 3 nhân viên của Công ty chứng khoán Bảo Việt là Phạm Thị Bích Vân, Vũ Cao Nguyên và Trần Thu Quỳnh?
Trở lại vụ việc hủy hợp đồng mua bán biệt thự trong dự án Golden WestLake mà chúng tôi đã nêu trong bài báo trước, sau khi ông Lê Thanh Hải đã trả lại 11 tỷ đồng nhận của bên mua theo biên bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng, ngày 22/9/2010, Cơ quan điều tra vẫn triệu tập ông Lê Thanh Hải đến và “dọa” chưa xong vì bên mua còn … đòi thêm 700 triệu đồng nữa. Việc bên mua có đòi thêm 700 triệu đồng nữa thì liên quan gì đến Cơ quan điều tra?
Những dấu hiệu không bình thường trong những vụ án bị dư luận lên án là oan sai có phải là bằng chứng của sự tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức có thẩm quyền hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với các luật sư về vấn đề này:
* Thưa Luật sư Nguyễn Hữu Cường, nhiều ý kiến cho rằng, những vụ án dân sự bị “hình sự hóa” đều có vấn đề tiêu cực, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng, nếu xảy ra những vụ án oan do bị hình sự hóa tranh chấp dân sự thì cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể do nhận thức của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.
Cũng không loại trừ có vụ án “hình sự hóa” tranh chấp dân sự xuất phát từ tiêu cực. Song, đến nay thì tất cả các vụ án oan, sai do bị hình sự hóa đều không được cơ quan có thẩm quyền xem xét về vấn đề tiêu cực. Khẳng định “hình sự hóa” do tiêu cực là không có bằng chứng nên không ai dám khẳng định cả.
* Và ông cũng tin rằng, không có tiêu cực trong nhưng vụ việc mà dư luận nghi ngờ tiêu cực?
- Tôi cũng như những người dân khác, cũng nghi ngờ có tiêu cực trong những vụ án có dấu hiệu hình sự hóa, đặc biệt là những quyết định trái pháp luật của các cơ quan tố tụng. Nhưng, nghi ngờ và khẳng định là hai vấn đề khác nhau. Tiêu cực trong các vụ án chính là sự lạm dụng quyền lực, làm trái pháp luật. Nhưng, việc làm trái pháp luật đó có xuất phát từ động cơ cá nhân, lợi ích cá nhân hay không thì không thể khẳng định được.
Xét cho cùng, tiêu cực đó những hình thái là biểu hiện của nạn tham nhũng. Hiện nay, tham nhũng trong tố tụng có chiều hướng gia tăng khi cơ quan có thẩm quyền liên tục bắt và xử lý các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên nhận hối lộ. Trong những vụ án bị hình sự hóa có những biểu hiện không bình thường thì người ta cũng chỉ nghi là có tiêu cực nhưng không ai chứng minh được thì phải chấp nhận là không có tiêu cực, việc làm sai là do “hạn chế trong nhận thức”.
* Thưa luật sư Nguyễn Văn Tú, nhiều người cho rằng, những vụ án oan sai đều là do “hạn chế trong nhận thức”, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đó là sự biện minh cho hầu hết những vụ án oan sai. Nhưng tôi tin đó chỉ là lý do, không phải là nguyên nhận thật sự của các vụ án oan sai, trong đó có những vụ “hình sự hóa” tranh chấp dân sự.
Các điều tra viên, kiểm sát viên… là các chức danh tư pháp được đào tạo bài bản, có trình độ đại học luật, đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ, có thâm niên trong ngành, không dễ gì nhầm lẫn giữa một tranh chấp dân sự với một hành vi phạm tội. Vì thế, theo quan điểm của tôi, những vụ án oan, sai do hình sự hóa, đều xuất phát từ việc làm cố ý.
* Nếu những vụ án có dấu hiệu oan sai, đã được đình chỉ không đúng pháp luật là do cố ý làm sai thì tại sao người làm sai không bị xử lý gì, thưa ông?
- Đó chính là vấn đề mà mọi người đều thắc mắc và cũng là nguyên nhân của tình trạng “hình sự hóa” tranh chấp dân sự tái bùng phát. Một điều tra viên vô tư nhận tiền của con nợ để đưa cho chủ nợ giống như đi làm dịch vụ đòi nợ mà chẳng bị xử lý gì thì những điều tra viên khác có thể làm được. Khởi tố oan rồi đình chỉ bằng quyết định trái pháp luật cũng chả có ai nói năng, xử lý gì thì lần sau họ tiếp tục làm như vậy.
Tôi cho rằng, trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ đối với điều tra viên, kiểm sát viên đang bị buông lỏng nghiêm trọng và đó là nguyên nhân của mọi oan sai.
Xin cảm ơn các ông!
Bình Minh