Có tình trạng “chia nhỏ” các dự án để không thông qua Quốc hội

(PLVN) - Hôm qua (5/4), các Đại biểu Quốc hội (ĐB) hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, vấn đề được nhiều ĐB đề cập vẫn xoay quanh quy định về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C. 

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát. Có ý kiến đề nghị xem xét đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư để phù hợp thực tiễn.

Theo ông Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại Điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công.

Để luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có được áp dụng phù hợp trong dài hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của Dự thảo Luật mới. 

Tuy nhiên, nhiều ĐB đã không đồng tình với việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng mà cần giữ như quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng. 

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đưa ra 5 lý do dể cho rằng về việc nâng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng là không hợp lý. Thứ nhất, mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia mức theo quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng không có bất cập khi cả giai đoạn 2016-2020, Quốc hội mới chỉ có phê duyệt 2 dự án. Thứ hai, thời gian qua không có sự biến động trong điều chỉnh giá cả.

Thứ ba, những dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định thì sẽ có bố trí ngay vốn rồi nên không sợ thiếu vốn. Thứ tư, nếu coi mức vốn 10.000 tỷ đồng là bất hợp lý phải tính thêm trượt giá để tăng tổng mức đầu tư lên nhưng đúng ra nếu đất nước phát triển cần nhiều dự án thì tổng mức đầu tư xuống 5.000 tỷ đồng để còn giám sát. Thứ năm, nếu điều chỉnh lên mức cao hơn là 20.000 tỷ đồng thì nhiệm kỳ tới Quốc hội sẽ không quyết định được dự án nào, do đó nên để ở mức 10.000 tỷ đồng.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phân tích, tổng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng vẫn là con số lớn, đáng lý ra càng thấp thì càng dễ đảm bảo bởi có sự giám sát của Quốc hội, do đó nên giữ nguyên ở mức 10.000 tỷ đồng vì thời gian qua đã có việc “chia nhỏ” các dự án ra để không thông qua hay xin ý kiến của Quốc hội. Trong đó, có những dự án đầu tư gây thất thoát, lãng phí. Vì vậy, việc nâng tổng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng cần phải tính toán cho kỹ. 

Theo ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), quan trọng là tính khả thi của dự án. Nếu để ở mức 35.000 tỷ đồng thì có khi cả nhiệm kỳ Quốc hội không quyết được cái nào. “Dự án quan trọng quốc gia là phải giải quyết vấn đề đất nước đang đặt ra chứ không phải bao nhiêu tiền”, ông Bình bày tỏ.

Cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn

Theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình), thời gian qua, việc đầu tư công chậm trễ, nhiều thủ tục là do phân cấp chưa mạnh, và phân cấp chưa đi với phân quyền cho nên năm nào cũng chậm trễ trong giải ngân đầu tư công. Do đó, cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương, thay “tiền kiểm” bằng “hậu kiểm”.

Cả bộ máy phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ chứ mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà “làm hết” thì địa phương “chả biết làm gì”. Vì vậy, cần phân cấp đi đôi với phân quyền nhiều hơn để bớt đi thủ tục hành chính, bớt chuyện xin - cho sẽ giúp giải phóng dự án làm nhanh, gọn, không kéo dài.

Đồng tình, Phó  Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải phân cấp mạnh cho địa phương, bởi có nhiều dự án cùng dự án nhưng có nhiều vốn hình thành từ Trung ương và địa phương. Địa phương nào có danh mục dự án thì địa phương đó quyết định còn Trung ương chỉ hỗ trợ. Do đó phải bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trong việc xem xét các dự án trong thời gian không diễn ra kỳ họp, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho hay: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận theo quy định từ Điều 104 đến Điều 107 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND chỉ liên quan đến việc bảo đảm tổ chức các hoạt động của HĐND, các ban và đại biểu HĐND; thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương đều thuộc về HĐND với vị trí, tính chất là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương.

Vì vậy, để bảo đảm thực hiện theo đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư các dự án thay cho HĐND trong thời gian không diễn ra kỳ họp HĐND (bỏ Điều 88 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội).

Đọc thêm