Điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đều bị tố
Đến nay, CQĐT Công an huyện Sóc Sơn và VKSND huyện Sóc Sơn đã phải thừa nhận thương tích trên là không đúng và “giảm” tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại xuống còn 2%.
Tuy vậy, các bị cáo vẫn khẳng định mình oan sai vì có dấu hiệu “làm khống” thương tích cho bị hại. Việc họ bị tiếp tục truy tố là thể hiện sự cố tình “hình sự hóa” nhằm tránh trách nhiệm bồi thường oan sai trong tố tụng.
Tính tới nay, vụ án đã kéo dài hơn 6 năm và qua 4 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và có 3 bản cáo trạng khác nhau. Tại bản Cáo trạng gần đây nhất, VKSND huyện Sóc Sơn vẫn cáo buộc ông Đỗ Phương Nhỡ cùng con trai là Đỗ Phương Hòa dùng gậy gỗ và anh Đỗ Phương Hạnh (con ông Nhỡ) dùng chiếc A đánh vào vùng đầu chị Bùi Thị Thu Thương vào chiều 6/5/2014, làm chị này bị tổn hại 2% sức khỏe.
Đáng nói, tại cáo trạng lần đầu, VKS đã truy tố 3 bố con ông Nhỡ vì cho rằng chị Thương bị tổn hại 25% do bị “chấn thương vùng đầu gây máu tụ trong bán cầu não trái”.
Khi bị cáo kêu oan và luật sư cung cấp chứng cứ mới thì VKS đã buộc phải thừa nhận bị hại không bị “tụ máu trong bán cầu não” nhưng vẫn tiếp tục truy tố 3 bố con ông Nhỡ vì làm bị hại bị tổn hại 15% sức khỏe do “hội chứng sau chấn động sọ não điều trị ổn định”.
Sau khi bị TAND huyện Sóc Sơn trả hồ sơ điều tra lần thứ 2, VKS vẫn ra bản cáo trạng (lần 3) truy tố các bị cáo nhưng lần này lại giảm tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại xuống còn 2%.
Không chấp nhận việc truy tố này, 3 bố con ông Nhỡ tiếp tục khẳng định mình bị oan và thương tích của bị hại có dấu hiệu bị “làm khống”.
Cùng với việc kêu oan này, các bi cáo đã có đơn tố cáo cả Điều tra viên CQĐT Công an huyện Sóc Sơn lẫn Kiểm sát viên VKSND huyện Sóc Sơn do đã có hành vi cố tình dùng tài liệu “khống” để làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra kết luận điều tra và cáo trạng không khách quan, không đúng sự thật, gây oan sai.
Trong đó, sai phạm rõ nhất ở chỗ, hồ sơ không có tài liệu bị hại chụp CT tại Bệnh viện Quân y 354 nhưng CQĐT và VKS vẫn chấp nhận Giấy chứng thương của BV này thể hiện bị hại chụp CT có kết quả “chấn thương vùng đầu gây máu tụ trong bán cầu não trái” để trưng cầu giám định, cho ra kết quả tổn hại thương tích sai thực tế.
Việc điều tra sai phạm, thiếu khách quan còn thể hiện ở chỗ, bản thân ông Nhỡ cũng bị đánh thương tích ở đầu, bị tổn hại 5% sức khỏe và đã tố cáo thủ phạm là anh Ngô Văn Hùng (chồng bị hại Thương). Tuy nhiên, CQĐT và VKS lại cho rằng “việc bị can Nhỡ cho rằng mình bị gây thương tích là không có căn cứ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nhỡ bức xúc cho biết, “kết luận giám định thương tích số 280 ngày 13/6/2014 của Trung tâm Pháp y Hà Nội kết luận tôi bị sẹo vết thương vùng đầu 5%.
Hiện, kết luận trên vẫn có giá trị pháp lý thì tại sao CQĐT và VKS lại cho rằng không có căn cứ thể hiện tôi bị gây thương tích. Tại hiện trường, CQĐT đã thu giữ một chiếc gậy gỗ hình khối vuông. Vậy, nếu CQĐT và VKS kết luận anh Hùng không dùng gậy gỗ vuông này đánh tôi thì ai đã sử dụng gậy gỗ này trong vụ xô sát chiều 6/5/2014”.
Ngoài việc tố cáo ĐTV và KSV, 3 bố con ông Nhỡ đã tố cáo cả bị hại Bùi Thị Thu Thương do đã khai báo gian dối với CQĐT, VKS về thương tích và quá trình đi viện của mình nhằm đổ tội cho gia đình ông.
Mới đây, trong quá trình TAND huyện Sóc Sơn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì 3 bố con ông Nhỡ đã có tố cáo và đề nghị thay đổi thẩm phán vì cho rằng có vi phạm khi mở phiên tòa mà các đơn tố cáo đối với bị hại, ĐTV và KSV chưa được cơ quan chức năng trả lời. Đồng thời, việc đưa vụ án ra xét xử trong khi hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn chứng tỏ thẩm phán chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tài liệu chứng cứ trong vụ án, không phát hiện ra sai sót của quá trình điều tra, truy tố.
Tuy nhiên, mới đây, TAND huyện Sóc Sơn đã có văn bản trả lời cho rẳng, nội dung tố cáo của 3 bố con ông Nhỡ đối với thẩm phán là “không đủ điều kiện thụ lý”.
“Hội chứng” ở đâu ra?
Hiện nay, CQĐT và VKS cáo buộc 3 bố con ông Nhỡ tội “Cố ý gây thương tích” dựa trên cơ sở Kết luận giám định của Viện Pháp y Quốc gia tháng 5/2016 thể hiện chị Thương bị “Hội chứng chấn động não đã điều trị ổn định”. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 2%”
Phản đối nội dung này, bị cáo và các luật sư đã có kiến nghị khẳng định chị Thương không hề bị thương tích sọ não hay “chấn động não” sau khi xảy ra vụ việc nên không thể bị cái gọi là “hội chứng” sau chấn động não được.
Cụ thể, tại Bệnh án của BV 354 vào tháng 5/2014 thể hiện rõ: bệnh nhận tỉnh táo, làm theo y lênh, Glasgow 15 điểm; Chụp CT Scanner sọ não, hiện tại không thấy hình ảnh bất thường nội sọ trên CT Scanner. Theo dõi xoang hàm phải;Chụp MRI sọ não (Ngày 08/5/2014); Hình ảnh sọ não bình thường trên phim MRI.
Thời điểm giám định lại vào tháng 5/2016 cũng thể hiện tình trạng sức khỏe của chị Thương là “toàn thân không thấy có dấu vết bầm tím và không phát hiện di chứng chấn thương phần mềm; vận động, cảm giác tứ chi bình thường, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, phản xạ gân xương hai bên đều nhau. Không có dấu hiệu tổn thương 12 đôi dây thần kinh sọ não; điện não đồ không thấy biểu hiện bất thường trên điện não đồ”.
Căn cứ duy nhất để xác định thương tích cho bị hại là qua lời kể của chị Thương là “hay đau đầu, chóng mặt, buồn nôn”.
Theo bị cáo thì căn cứ “lời kể” trên là thiếu khách quan, không đáng tin cậy và nếu chị Thương có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn thật thì cũng do rất nhiều nguyên nhân chứ không thể coi là hậu quả từ vụ xô sát vào ngày 6/5/2014 được.
Theo Cơ quan giám định thì việc kết luận chị Thương bị tổn thương 2% sức khỏe là dựa căn cứ vào Thông tư 20/2014/TT-BYT, quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tư này, các luật sư khẳng định trong văn bản pháp luật này không có nội dung nào quy định về cái gọi là “Hội chứng chấn động não đã điều trị ổn định” cả.
Tất cả những điều này cần phải được giám định viên làm rõ tại phiên tòa tới đây.