Hải Phòng là một trong 8 địa phương được tham gia dự án “đối tác đổi mới sáng tạo” (IPP) do Chính phủ Phần Lan và Việt Nam phối hợp tổ chức, thực hiện trong 3 năm (2009-2011). Để khởi động dự án, Sở Khoa học- Công nghệ thành phố tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của các trường đại học, cao đẳng và tổ chức KHCN tham gia quá trình đổi mới trong doanh nghiệp”. Nhân dịp này, Báo Hải Phòng phỏng vấn ông Hannu Cốccu, cố vấn trưởng dự án.
- Ông cho biết mục đích của Dự án IPP được triển khai tại Việt Nam là gì?
- Mục đích của dự án là xây dựng ý tưởng, thiết lập mối quan hệ đối tác giữa các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp. Qua đó mọi ý tưởng, phát minh mới từ các phòng thí nghiệm sớm được thương mại hóa thành công nhờ các doanh nghiệp. Thí dụ, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở châu Âu mỗi năm có thể kiếm được 3-40% tổng lợi nhuận từ các hợp đồng dịch vụ với các doanh nghiệp nhờ phát minh, ý tưởng kinh doanh mới. Các dịch vụ chủ yếu gồm: liên kết giữa các viện-trường với doanh nghiệp trong đào tạo chuyên môn, đào tạo hướng nghiệp, đào tạo từ xa…
Xuất phát từ thực tế này, Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng triển khai dự án IPP. Dự án có tổng vốn 6,22 triệu ơ-rô, Chính phủ Phần Lan viện trợ không hoàn lại là 5,6 triệu ơ-rô, vốn đối ứng của phía Việt Nam là 0,62 triệu ơ-rô. Mục tiêu chính của dự án là góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp có mức thu nhập trung bình vào năm 2020, dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức và hệ thống khoa học-công nghệ đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, dự án hỗ trợ xây dựng chiến lược đổi mới KH-CN quốc gia thông qua hoàn thiện khung pháp lý, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ sáng tạo, tạo điều kiện và khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tích cực tham gia đổi mới các sáng tạo. Qua đó, tăng cường năng lực quản lý khoa học và công nghệ, mở rộng hợp tác giữa nhà nước và tư nhân qua Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở (OIF), đồng thời liên kết mạng lưới sáng tạo giữa Phần Lan và Việt Nam được thúc đẩy.
- Vì sao Hải Phòng là một trong địa phương được chọn triển khai dự án?
- Tôi được biết, Hải Phòng có khoảng hơn 16 nghìn doanh nghiệp và Hải Phòng là trung tâm công nghiệp của Việt Nam, với thế mạnh là ngành đóng tàu, khai thác, chế biến thủy sản phát triển. Trên địa bàn Hải Phòng có nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học-cao đẳng. Vì vậy, triển khai dự án IPP tại Hải Phòng tạo cơ hội để các trường đại học-cao đẳng, viện nghiên cứu đổi mới phương pháp sáng tạo, nghiên cứu nhiều ý tưởng mới, phát minh mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sớm thương mại hóa sản phẩm. Sự đổi mới sáng tạo chính là tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua hoạt động cho ra đời các sản phẩm mới, tạo sự khác biệt đối với sản phẩm cùng loại qua đặc tính, chất lượng, thương hiệu (điện thoại di động, máy tính xách tay…).
Tôi có thời gian dài gắn bó với Hải Phòng khi triển khai dự án cấp, thoát nước do Phần Lan tài trợ. Hải Phòng khá phát triển và năng động, con người thân thiện, dễ gần. Tôi hy vọng dự án triển khai tại Hải Phòng thu được nhiều thành công và có cách làm sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Đổi mới sáng tạo là một ý tưởng hoặc phát minh được thương mại hóa thành công nhờ đặc điểm nổi bật: mới lạ, hữu ích với cuộc sống và thành công trong kinh doanh. |
Hồng Dương thực hiện