Từ được tiếng…
Không cần phải nói thêm về sự nổi đình đám của các cổ động viên bóng đá đất Cảng, chỉ cần nhắc tới “chảo lửa” Lạch Tray, bất cứ đội khách nào cũng “tim đập chân run”. Sự “máu lửa” của cổ động viên Hải Phòng còn gắn với nhiều “đặc sản” như pháo sáng, túi nước. Thậm chí có cổ động viên, vì phản đối, chẳng ngại ngần ném…cả điện thoại di động vào trọng tài.
Có lần theo đội bóng đá Xi măng Hải Phòng thi đấu tại sân vận động Hàng Đẫy, cùng người bạn lạc bước sang khu khán đài A (vốn dành cho cổ động viên đội chủ nhà T&T Hà Nội), tự nhiên thấy khác hẳn, chẳng giống khán đài sân bóng đá tẹo nào… Anh bạn ngồi cạnh thở dài, người Hà thành giờ thật lạ, đi xem bóng đá mà yên lặng cứ như đi xem Ô-pê-ra, chả bù cho sân Lạch Tray, khắp bốn phương tám hướng đều nhộn nhịp, ồn ào. Nhìn sang khán đài B đối diện, cả vạn cổ động viên đất Cảng đang làm huyên náo cả vùng, lại dấy lên tự hào về quê hương.
Ngoài bóng đá, người đất Cảng còn “máu lửa” không kém trong việc cổ động cho tất tần tật những gì mà qua đó, thể hiện được mình: các môn thi đấu thể thao, văn nghệ, các hội thi... Có lần chỉ đi qua sân bóng chuyền làng Bảo Hà ở xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo), thấy hàng trăm người xúm quanh khoảng đất trống chỉ để… xem hai đội bóng của xóm giao hữu. Trận bóng chỉ trong khuôn khổ xóm, nhưng xét về lượng người xem cũng như mức độ nhiệt tình, đôi khi các trận thuộc giải đấu chuyên nghiệp phải chạy dài mới theo kịp.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, trong lần về Hải Phòng thực hiện liveshow mang tên “Người tình”, thổ lộ, không phải riêng anh, hầu hết ca sĩ nổi tiếng, cứ về đây biểu diễn là yên tâm về sự thành công. Người xem Hải Phòng chẳng tiếc thời gian, tiền bạc đến xem các ca sĩ mà họ yêu thích biểu diễn. Mà cứ đến rạp là y rằng bầu không khí sống động hẳn lên với những tiếng hò reo cổ vũ và hát theo. Do vậy, cứ mỗi lần đến Hải Phòng biểu diễn là Đàm Vĩnh Hưng có cảm giác quen thuộc như trở về nhà. Cũng vì sự “máu lửa” trong chất giọng và phong cách biểu diễn, Đàm Vĩnh Hưng tự coi mình là công dân của thành phố Hoa Phượng Đỏ.
…Đến mang tiếng
Cuồng nhiệt và “máu lửa” tạo thành “thương hiệu” riêng rất đáng tự hào của người xem và cổ động viên đất Cảng. Nhưng nhiều khi sự cuồng nhiệt quá mức, không đúng lúc khiến họ mang điều tiếng. Do vụ náo loạn trên sân Hàng Đẫy mà cổ động viên Hải Phòng chịu án phạt cấm đi sân khách cổ vũ. Thậm chí, họ cũng bị cấm đến “chảo lửa” Lạch Tray một trận. Việc ban tổ chức phạt sân vì những hành động quá khích của cổ động viên cũng xảy ra như cơm bữa. Vô hình trung, đội bóng bị ảnh hưởng và hình ảnh cổ động viên đất Cảng bị xấu đi nhiều trong mắt ban tổ chức giải, các cổ động viên và đội bóng nơi khác. Những cổ động viên Hải Phòng chân chính nhiều khi cũng bị vạ lây.
Trong các hội thi, chương trình văn nghệ…người xem và cổ động viên đất Cảng cũng có nhiều hành động chẳng giống ai. Có hội thi, các đội đang “vắt đầu bóp trán” nghĩ phương án trả lời, cổ động viên và người xem bên dưới, thay vì cổ vũ đội nhà cố gắng, lại hô to phương án trả lời. Nếu đội nhà trả lời đúng không sao, chẳng may trả lời sai, bên dưới vọng lên những câu nói khó nghe, thậm chí là văng tục về cái sự “ngu và không biết nghe lời”. Vì thế, các thành viên đội nhà càng bị ức chế dẫn tới tinh thần không thoải mái, thua là điều tất yếu. Làm thế, họ không tôn trọng chính mình và những người chung quanh. Tại hội diễn văn nghệ thanh niên tôn giáo gần đây, cứ hết phần đội nhà biểu diễn là người xem lại đứng dậy ào ào bỏ về. Đến phần cuối, chỉ còn vài người trong ban tổ chức và khách mời. Mấy người còn ngồi lại nhìn nhau thở dài, thương cho cô ca sĩ đang cố gắng hoàn thành nốt bài hát một cách khó nhọc.
Không ít người xem và cổ động viên đất Cảng chưa có thói quen cổ vũ một cách đúng mức, phù hợp và có văn hóa. Thậm chí, thay vì cổ vũ, những người này quậy phá hoặc có những hành động chẳng giống ai để khẳng định mình. Qua đó, cần thấy để cổ vũ một cách có văn hóa, vừa động viên được tinh thần người thi đấu vừa giữ được không khí hòa nhã lịch sự cần thiết và không vi phạm các quy định chung là điều không dễ, cần phải học. Để những người ở nơi khác không thể nhìn vào cách chúng ta cổ vũ mà buông một câu xanh rờn “văn hóa nơi ấy chỉ có vậy”.
Hà Vân