Cõi thơ ở đất Kinh kỳ ngàn năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa lễ hội Quý Mão, “Ngày thơ Việt Nam” được diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long – Di sản quốc gia đặc biệt được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Người yêu thơ và du khách lạc vào “Cõi thơ” để thưởng thức, thưởng lãm thơ với nét truyền thống hòa quyện công nghệ 4.0, góp phần tô thắm thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Ngày thơ Việt Nam những năm trước được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ngày thơ Việt Nam những năm trước được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nơi hội ngộ tao nhân, mặc khách

Chia sẻ về Ngày Thơ Việt Nam 2023, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều cho hay, tên chủ đề Ngày thơ Việt Nam 2023 là “Nhịp điệu mới” với ước vọng, khí thế và niềm tin mới cùng với sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp.

Dưới sự chủ trì của Hội Nhà văn Việt Nam và đồng tổ chức của Hoàng Thành Thăng Long, toàn bộ hoạt động của Ngày thơ được thiết kế và dàn dựng bởi ê-kíp sáng tạo gồm: Tổng đạo diễn - nhà thơ, đạo diễn Lê Quý Dương; phụ trách mỹ thuật - họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Đình Nguyên. Sự kiến chính của Ngày thơ thay vì diễn ra vào buổi sáng, sẽ tổ chức vào đêm Rằm để tăng hiệu quả âm thanh, ánh sáng và tính sân khấu.

Người yêu thơ và du khách sẽ vào “Cõi thơ” với “Cổng thơ”, “Đường thơ” để thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam được viết trên giấy dó tạo hình thành những chiếc quạt - cánh bướm.

Cuối “Đường thơ”, khán giả sẽ đến “Nhà ký ức”, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Bên cạnh “Nhà ký ức” là “Quán thơ”, nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.

Tại vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn là sân khấu diện tích khoảng 350 m2 sàn, trong đó có 100 m2 sàn bằng kính, được gọi là “Đàn thơ” - nơi diễn ra Đêm thơ Nguyên tiêu. Từ trên tường thành sẽ có hai tấm pano lớn được thả xuống. Trên mỗi tấm pano chép bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên trái sân khấu là hai “Cây thơ”, từ trên cành cao sẽ thả xuống những phong thơ, bên trong có những câu hỏi thú vị, đố vui kiến thức thơ dành cho bạn yêu thơ, người chiến thắng sẽ nhận được những phần quà thú vị từ Ban Tổ chức.

Nhà thơ Hữu Việt - người phụ trách kịch bản cho biết , thời gian tổ chức của Ngày thơ năm nay bao gồm cả ngày Rằm tháng Giêng (tức ngày 5/2/2023) thay vì chỉ diễn ra vào buổi sáng ngày Rằm như những lần tổ chức trước.

Buổi sáng, tại Hội trường lớn của Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chủ trì Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, với sự tham gia các nhà thơ nhiều thế hệ, thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại. Song song với tọa đàm trên hệ thống màn hình led trước cổng Đoan Môn sẽ phần trình chiếu các phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam.

Buổi trưa sẽ tiếp tục trình chiếu video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn.

Buổi chiều sẽ diễn các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ; công chúng tham quan và giao lưu tại Nhà ký ức thơ. Song song là hoạt động trình chiếu các phim tư liệu về các hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển trên hệ thống màn hình led trước cổng Đoan Môn.

Buổi tối, chương trình nghệ thuật chính của Ngày thơ, diễn ra tại sân khấu trung tâm trước cổng Đoan Môn. Điểm đặc biệt của năm nay là chỉ có một sân thơ duy nhất (khác với những lần tổ chức trước tại Văn Miếu – Quốc tử Giám, chia ra hai sân thơ) dành cho các nhà thơ mọi thế hệ.

Sẽ có 21 bài thơ/tác giả thơ xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp theo là phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ; thế hệ nhà thơ sau 1975 đến thời kỳ Đổi mới; và cuối cùng là của các nhà thơ Trẻ. Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.

Lễ hội thi ca thi vị

Tổng đạo diễn - Lê Quý Dương chia sẻ: “Thi ca của chúng ta thực sự hình thành và đồng hành cùng với dòng chảy lịch sử của cả dân tộc suốt hàng nghìn năm qua. Và đặc biệt, thi ca đã trở thành nơi không chỉ là chỗ dựa mà còn là một nơi để tìm về. Thơ là nơi xuất phát nhiều ý nghĩa đối với tâm hồn của dân tộc từ lúc đất nước thanh bình cũng như chiến tranh. Từ những lúc khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu đến lúc đổi mới, phát triển luôn luôn thấy bóng dáng của thi ca ở đó.

Đặc biệt, 4 doanh nhân văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận đều là 4 nhà thơ: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương. Dân tộc của chúng ta chính là một dân tộc của thi ca. Điều đấy cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, các ngày lễ hội này làm cho thi ca thêm giá trị”.

Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, toàn bộ không gian của Hoàng thành Thăng Long sẽ là không gian của thơ, các nhà thơ là tâm điểm. Một điều đặc biệt, “Ngày thơ” năm Quý Mão là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại với các văn hóa truyền thống. Cũng bắt đầu lấy từ một ý tưởng của Bác Hồ, câu thơ của Bác: “Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Trên toàn bộ không gian, Ban tổ chức thiết kế là những cái khung thép, khung mạ rất hiện đại. Nó trở thành một bộ xương sống rất khỏe cho toàn bộ “Cõi thơ”. Và trong không gian thép đấy có sự rắn chắc có sự mềm mại, trữ tình, lãng mạn của những cánh bướm thơ, những chiếc đèn lồng, đèn có bông, có hoa.

Ngày thơ là nơi hội ngộ tao nhân, mặc khách.

Ngày thơ là nơi hội ngộ tao nhân, mặc khách.

Ngày Thơ, cùng với sự kết hợp của các loại hình âm nhạc, hội họa, trình diễn, ánh sáng… sẽ truyền tải đến những người yêu thơ vẻ đẹp thơ ca trong đời sống, góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn thông qua loại hình văn học.

“Chúng tôi muốn biến Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội đón nhận những người yêu thơ, cả những người chưa yêu thơ. Khi tới không gian của Hoàng thành Thăng Long, chúng ta đều sẽ có niềm yêu duy nhất, đó là thơ ca. Cho nên chúng tôi chọn Hoàng Thành Thăng Long. Thơ sẽ không phải chỉ có thầm lặng ở trong cuộc sống. Thơ phải trở thành một nguồn năng lượng mới, trở thành một tinh thần mới, với tất cả những khát vọng mới cho xã hội tốt đẹp hơn” - Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh.

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch hằng năm trên cả nước, đúng dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên Tiêu” vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948). Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào đầu xuân, ngày rằm tháng Giêng năm Quý Mùi - 2003 trong phạm vi 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, do Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố chủ trì. Tại Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam đầu tiên được tổ chức long trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, thu hút hàng vạn người tham gia.

Mở đầu lễ hội là lễ kéo cờ thơ nhuộm màu ngũ sắc như lễ hội cổ truyền, ở giữa có họa tiết hình con chim lạc và một chữ Thơ. Người yêu thơ cùng nhau ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh và các bài thơ của các thi nhân nổi tiếng xưa, nay.

Đây là dịp công chúng yêu thơ trên cả nước tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam trong quá khứ, giới thiệu thơ ca đương đại trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước. Suốt 20 năm qua, sự kiện vừa là nơi gặp gỡ của các thi sĩ và công chúng yêu thơ, vừa góp phần tôn vinh nền thi ca Việt Nam, bồi đắp tâm hồn, giá trị nhân văn, vẻ đẹp tinh thần của một dân tộc.