Coi trọng vấn đề giới trong an toàn vệ sinh lao động

Lồng ghép giới là một yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm mọi hoạt động của các cấp, ngành đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên trong xã hội và lợi ích được phân phối bình đẳng giữa nam và nữ

Lồng ghép giới là một yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm mọi hoạt động của các cấp, ngành đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên trong xã hội và lợi ích được phân phối bình đẳng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, trong thực tiễn quá trình hoạch định và thực thi các chính sách phát triển nói chung, vấn đề giới chưa được quan tâm đúng mức, nhất là trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vẫn tồn tại khoảng cách giới…

Chưa chú trọng công tác phòng ngừa và bảo vệ

Theo điều tra lao động-việc làm của Tổng cục thống kê, năm 2005, lao động nữ chiếm 48,6% (khoảng 21,14 triệu người trong tổng số 43,45 triệu lao động). Đến năm 2008, số lao động nữ tăng lên 22,77 triệu người so với 46,11 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 49,4% và khả năng đến cuối năm 2010, lao động nữ sẽ đạt và vượt chỉ tiêu 50% lực lượng lao động cả nước.

Lao động nữ ít được quan tâm về an toàn lao động.

Hội thảo về “Lồng ghép giới trong các chính sách ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ” vừa được tổ chức tại Hải Phòng với sự tham gia của 15 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Các ý kiến tại hội thảo khẳng định: lồng ghép giới trong các chính sách ATVSLĐ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động, đồng thời giúp họ được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách một cách bình đẳng.

Thực tế so với nam giới, phụ nữ ít được nắm giữ những vị trí quan trọng như giám sát hay thành viên  ban quản trị, giám đốc. Thêm nữa, chị em vẫn phải làm hầu hết những công việc nội trợ trong gia đình mà không được trả lương. Nếu làm một phép cộng tất cả công việc được trả lương và không được trả lương thì phụ nữ đang phải làm việc nhiều hơn nam giới. Do đó, chị em thường chịu đựng sự căng thẳng liên quan đến công việc, rối loạn cơ, đau mỏi lưng và các vấn đề khác về sức khỏe…Những rủi ro xảy ra đối với nam giới dễ chứng minh hơn là với nữ giới, do đó công tác  ATVSLĐ chủ yếu hướng về lao động nam và những ngành nghề tập trung nhiều lao động nam, mà ít được quan tâm đối với nữ. Theo đó, lồng ghép giới vào công tác ATVSLĐ, đánh giá rủi ro, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động là vấn đề cấp thiết.

Khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tế

Ông Vũ Như Văn, quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định: “Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tác hại sức khỏe của lao động nữ chưa được ước tính hết vì các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cũng như giới hạn tiếp xúc với các chất độc hại chỉ dựa trên kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Do đó ngoài việc hỗ trợ các nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới, Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đến năm 2010 với mục tiêu tổng quát chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động…”. Tuy nhiên, trong tổng số 7 dự án của chương trình quốc gia không có dự án nào đặt ra vấn đề giới trong ATVSLĐ, mức độ thụ hưởng giữa phụ nữ và nam giới trong từng dự án, điều này ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách về ATVSLĐ một cách bình đẳng giữa nam và nữ.

Mặt khác, theo hồ sơ quốc gia ATVSLĐ năm 2009, việc đào tạo, huấn luyện cho công chức, người sử dụng lao động, người làm công tác về ATVSLĐ, người lao động, nông dân, tình nguyện viên…không thể hiện cơ cấu, bao nhiêu lượt người tham gia là nữ giới, nam giới. Theo ông Đỗ Văn Dư, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và điều kiện làm việc Viện Khoa học Lao động và Xã hội, việc tổng hợp thông tin về vấn đề đào tạo như vậy không làm rõ được khả năng tiếp cận các khóa học, huấn luyện của người lao động, đặc biệt với nhóm nữ nông dân, một lực lượng lao động đông đảo hiện nay.

Ông Dư và nhiều đại biểu tham gia hội thảo về “Lồng ghép giới trong các chính sách ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ” đưa ra 2 nhóm khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng quy trình lồng ghép giới vào chính sách ATVSLĐ, thiết kế lại chính sách để thúc đẩy bình đẳng giới trên cơ sở giám sát, đánh giá thực trạng lao động nữ ở các đơn vị, doanh nghiệp. Tiếp đó, cần thực thi đồng bộ các giải pháp để triển khai áp dụng quy trình này, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh cam kết chính trị về bình đẳng giới của các cấp lãnh đạo, nhà quản lý; tăng cường bộ máy hoạt động vì bình đẳng giới trong tổ chức, cơ quan; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp; tăng cường vai trò của các chuyên gia về giới trong quá tình xây dựng chính sách và thông tin phân tích giới trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động./.

                                                                                                                     Thanh Thủy 

Đọc thêm