Cơm nguội

.Các chị tôi đi lấy chồng cũng chẳng ngoại lệ. Chị nào cũng đằng đẵng “cơm nguội” nhà mẹ cho đến khi đã có một, hai mặt con. Kể cả đến khi các chị đã ra ở riêng, có nhà lầu, xe hơi, thì chuyện ghé về nhà bố mẹ đẻ ăn bát cơm nguội như đã thành thói quen khó bỏ.

Quê tôi có thói con gái mới lấy chồng thường về nhà mẹ đẻ ăn cơm nguội. Gọi là ăn cơm nguội, bởi nó được ăn lén lút khi cô gái tranh thủ đi làm tạt qua nhà mẹ đẻ. Có thể ăn khi bát cơm đã nguội ngơ nguội ngắt, cũng có thể khi nó vừa kịp chín, cũng gọi là “ăn cơm nguội”. Cái thói ấy cũng dễ lý giải, bởi khi con gái vừa lấy chồng thường ở tuổi đang sức ăn, sức lớn. Con dâu mới lại phải giữ gìn ý tứ, đặc biệt trong nết ăn. Ăn phải biết trông nồi, phải nhường người lớn, người bé trong nhà. Thế nên, để không bị chê “ăn thủng nồi trôi rế” thì nàng dâu đành phải ăn qua loa, rồi về nhà mẹ đẻ ăn thêm.

bát cơm nguội


Các chị tôi đi lấy chồng cũng chẳng ngoại lệ. Chị nào cũng đằng đẵng “cơm nguội” nhà mẹ cho đến khi đã có một, hai mặt con. Kể cả đến khi các chị đã ra ở riêng, có nhà lầu, xe hơi, thì chuyện ghé về nhà bố mẹ đẻ ăn bát cơm nguội như đã thành thói quen khó bỏ. Nhà tôi có lẽ vì thế mà lúc nào cũng có cơm nguội. Con cái trưởng thành, có gia đình riêng cả, nhà chỉ còn lại bố mẹ già, nhưng chẳng bữa nào bố mẹ nấu cơm chỉ đủ cho hai người.

Có khi, cơm nguội bữa trước còn lại cũng đủ qua bữa, bố mẹ vẫn cứ bắc nồi, nấu thêm bát cơm mới. Mà sự tiết kiệm của người già, của những người đã qua thời cơ hàn, lại không cho phép đổ đi thứ cơm còn ăn được, thứ cơm mà mình định bụng sẽ để phần cho con cháu mình. Có khi, cơm nguội ăn bữa này, ghế bữa kia, bố mẹ tôi vẫn không thể bỏ được thói quen nấu nhiều. Nấu ít đi, ông bà chỉ sợ lỡ hôm đó, có đứa con, đứa cháu nào ghé qua, muốn ăn một bát cơm mà không có thì phải tội.


Bố mẹ tôi lúc nào cũng sợ con đói. Mỗi khi chúng tôi ghé nhà, đặc biệt là lúc sắp đến bữa cơm, bố mẹ phải “nài nỉ”  bằng được để chúng tôi dùng bữa. Nhất là với các cháu, nếu để chúng về trước bữa cơm của ông bà thì bố mẹ tôi giận lắm. Các chàng rể của bố mẹ cũng hiểu được tấm lòng của ông bà nhạc. Vậy nên, có thể biết là con gái ông bà đang ở nhà  ngồi bên mầm cơm chờ chồng, thì gặp bữa nhà bố vợ, chàng rể vẫn ở lại, có thể chỉ là lưng bát cơm, gắp vài miếng rau, rót cho bố vợ chén rượu.

Được các con ngồi cùng bữa, ông bà vui ra mặt. Cũng biết thói quen nấu cơm để dành của ông bà, nên chúng tôi chẳng mấy ngại ngần cùng ăn nếu qua nhà gặp bữa cơm. Có khi, cả vợ chồng, con cái, dăm bảy  người cùng ngồi ăn bữa cơm chuẩn bị cho hai người mà vẫn thấy no nê. Ông bà thì “no” vì được nhìn con cháu ăn. Con cháu “no” vì được hưởng cái tình của cha mẹ.

Tôi chẳng phải người không cần tính đếm chuyện gạo nước tiền nong. Đứng trước hàng gạo, cũng phải cân nhắc từ chuyện hợp khẩu vị đến giá cả, một hạt gạo rơi vãi cũng phải nhặt lên bằng được. Nhiều khi, nhìn bát cơm nguội lỡ bị kiến bu, cũng thấy xót ruột lắm. Nhưng như bị lây thói quen của đấng sinh thành, nhà cứ phải có thừa một chút cơm.

Tôi chưa có con gái lớn mới gả chồng. Tôi chừa lại một chút cơm để lỡ thằng con bé có nghịch ngợm, quấy khóc mà bị trớ mất bữa cơm trước thì có cái để con ăn bù cho đỡ đói. Tôi chừa lại một chút để lỡ con gái lớn đi học về, thỏ thẻ với mẹ rằng hôm nay ở lớp con ăn ít, con muốn, muốn lắm được ăn một bát cơm rang của mẹ. Bữa sau, có thể phải ăn bát cơm độn khô cứng, tôi vẫn chừa lại phần cơm nóng dẻo để được an lòng khi nghĩ về những đứa con.

Đọc thêm