Con cháu Bà Trưng, Bà Triệu và hành trình “dệt gấm, thêu hoa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách đây 71 năm, vào ngày 8/3/1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân kỉ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. (Ảnh tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. (Ảnh tư liệu).

Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ

Mỗi chúng ta đều sinh ra từ lòng mẹ. Người mẹ đầu tiên của người Việt là mẹ Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng đã lập nên Nhà nước Văn Lang. Về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, ngoài ý nghĩa về hai tiếng “đồng bào”, GS Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc chương trình Giáo dục tổng quát Đại học Hoa Sen) nhận định: “Ngoài việc dạy dỗ về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”.

Mùa Xuân năm Canh Tý 40, hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán và khôi phục được chính quyền tự chủ cho người Việt. Sử thần Lê Văn Hưu trong “Đại Việt sử kí toàn thư” nhận định: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”.

Tuy nhiên, suốt chiều dài phong kiến Bắc thuộc, quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dành mọi ưu tiên cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội. Khi ấy, người phụ nữ được xem là chủ của cái cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”,“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”...

Luật Hồng Đức, bộ luật tiến bộ nhất trong thời kì phong kiến của nước ta của nhà Lê bảo đảm cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi li hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do hai vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927), Người đã dẫn lại lời Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lê-nin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Người cũng nhận định: “Lê-nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”…

Người tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”.

Tại Điều thứ 1, Điều thứ 9, Điều thứ 18, Hiến pháp 1946 của nước ta đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Còn trong Bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta, nữ giới không những được bình đẳng với nam giới mà còn được ưu tiên như: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”…

Ngày 8/3/1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến... Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ. Nhân dịp 8/3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ... Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Cùng ngày, Bác viết bài “Nam nữ bình quyền” với những lập luận sâu sắc: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu...

Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”.

Có thể nói, ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực, họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người.

Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”…

“Dòng chảy” con cháu bà Trưng, bà Triệu

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cùng truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Từ các phong trào thi đua rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu với các phong trào thi đua “Ba đảm đang”, phong trào “Đồng khởi”… đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc…

Những năm tháng cả nước lên đường chống Mỹ, không quản ngày đêm, bom đạn kẻ thù, chị em hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… Đến cuối tháng 5/1965, hơn 1,7 triệu phụ nữ trên khắp miền Bắc ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ Ba đảm đang” cùng với phong trào “Ðồng khởi”, “Ðội quân tóc dài” của phụ nữ miền Nam, hàng chục nghìn nữ thanh niên miền Bắc hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang.

Đó là những nữ thanh niên “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, sửa đường thông xe, hàng chục lần bị bom vùi, bị thương vẫn không rời vị trí, tình nguyện làm lễ truy điệu sống để đi phá bom nổ chậm. Nhiều lắm những cô gái đã anh dũng hy sinh ở tuổi 20, viết tiếp những chiến công trên trang sử anh hùng của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Tính đến năm 1971, miền Bắc có 42 nữ Anh hùng; 13 đơn vị nữ Anh hùng; 1.718 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; 5.000 nữ Chiến sỹ thi đua; hơn 3 triệu phụ nữ “Ba đảm đang” xuất sắc...

Còn đó những hình ảnh các mẹ, các chị mãi mãi là biểu tượng của phụ nữ Việt kiên cường, bất khuất. Đó là mẹ Nguyễn Thị Suốt, người mẹ 60 tuổi ở Quảng Bình chèo thuyền chở bộ đội qua sông và vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta giữa làn mưa bom bão đạn. Anh hùng La Thị Tám, 23 lần bị bom vùi vẫn không rời vị trí, bình tĩnh quan sát máy bay địch đếm từng quả bom rơi, đánh dấu từng quả bom chưa nổ để tạo điều kiện thuận lợi cho công binh phá bom nổ chậm. Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, công nhân Nhà máy dệt 8/3 Hà Nội, chồng đi chiến đấu, một mình nuôi 2 con nhỏ, kiên trì suốt 8 năm chiến tranh bảo đảm ngày công bình quân cao nhất nhà máy, trong 9 năm dệt vượt mức kế hoạch hơn 8 vạn mét vải…

Trong những năm qua, hơn 50% dân số và gần 48% lực lượng lao động xã hội - phụ nữ Việt Nam có mặt và chủ động tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, ở mọi vùng miền của Tổ quốc.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể.

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc đã trở thành các sứ giả của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại…

Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cũng tiếp thu những văn minh, tiến bộ của nhân loại vào trong lối sống, trong tư duy, trong ứng xử gia đình và xã hội. Tất cả những điều đó cũng góp phần khẳng định sự hiện đại, sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay. Họ, những người phụ nữ Việt nhỏ bé, vừa mềm mại, vừa bản lĩnh, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”…

Việt Nam đã cử các nữ sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi từ năm 2018. Từ đó đến nay, tỷ lệ nữ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng đều và hiện ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực. Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sỹ quan đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.