Con đường khoa học và mong ước của GS.Ngô Bảo Châu

 Tại buổi lễ tuyên dương thành tích đoạt Huy chương Fields 2010, sau khi kể lại hành trình khoa học của mình để đến với giải “Nobel Toán học”, GS.Ngô Bảo Châu đã nói đến một con đường - con đường khoa học của những “người lớn tận tụy vì khoa học”, của những “bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học” và cũng là con đường mà ông mong được chung bước.

Tại buổi lễ tuyên dương thành tích đoạt Huy chương Fields 2010, sau khi kể lại hành trình khoa học của mình để đến với giải “Nobel Toán học”, GS.Ngô Bảo Châu đã nói đến một con đường - con đường khoa học của những “người lớn tận tụy vì khoa học”, của những “bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học” và cũng là con đường mà ông mong được chung bước.

GS Ngô Bảo Châu tại buổi lễ
GS Ngô Bảo Châu tại buổi lễ

Lễ tuyên dương có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng, đại diện Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội Toán học Việt Nam, Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ... cùng hàng nghìn quan khách và học sinh, sinh viên.

Niềm tự hào Ngô Bảo Châu cần được nhân lên

Do số lượng khách vượt quá 4.000 người nên mới 19h15, cánh cửa phòng Khánh tiết Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã phải đóng lại. Không vào được hội trường, nhiều học sinh đã bật khóc ngay tại sảnh. Có người từ Nghệ An ra Hà Nội nhưng vì hết chỗ, đành phải lặng lẽ ra về. Rất nhiều người có giấy mời VIP, thậm chí một số họ hàng của GS.Ngô Bảo Châu cũng phải đứng ngoài. Với lòng ái mộ Ngô Bảo Châu, đám đông vẫn kiên trì chờ đợi.

Phát biểu mở đầu buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại sự kiện ngày 19/8 vừa qua tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu - người con ưu tú của dân tộc - đã vinh dự được nhận Huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất của Toán học thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng GS Ngô Bảo Châu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng GS Ngô Bảo Châu

Thủ tướng khẳng định: “Với giải thưởng cao quý này, GS.Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh đất nước, rạng danh con người và trí tuệ Việt Nam, góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước mà còn là một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công, một Việt Nam có khả năng chinh phục đỉnh cao của khoa học”.

Trong niềm vui và tự hào, Thủ tướng không quên cảm ơn gia đình, các thầy cô giáo, không quên cảm ơn Chính phủ Pháp, các GS, các nhà khoa học Pháp, Mỹ đã bồi dưỡng GS.Ngô Bảo Châu và giúp đỡ có hiệu quả cho nền giáo dục Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng giải thưởng cao quý của GS Châu là nguồn động viên mạnh mẽ, là tấm gương vươn lên đối với các nhà khoa học của Việt Nam và từ tấm gương sáng của GS.Ngô Bảo Châu, mỗi người trẻ cần phải tranh thủ thời cơ vượt qua thách thức, biến vận hội mới thành sứ mệnh lịch sử cho mỗi chúng ta.

Thủ tướng mong muốn, Việt Nam cần có xã hội học tập và niềm tự hào Ngô Bảo Châu cần được nhân lên mạnh mẽ trong mỗi người trẻ Việt Nam. Kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ bước xuống ôm chặt GS.Ngô Bảo Châu giữa những tràng pháo tay.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - GS.Phạm Vũ Luận - cho biết, trước mắt Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học vừa được Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng gửi đến GS.Ngô Bảo Châu lời chúc mừng trân trọng nhất và bày tỏ mong muốn GS.Châu tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của toán học nói riêng và khoa học công nghệ nói chung của nhân loại, của nước nhà.

Tri ân

Sau các bài phát biểu rất xúc động của các học sinh, sinh viên đại diện cho các ngôi trường phổ thông mà GS.Ngô Bảo Châu đã học trước đây, những tràng pháo tay tiếp tục giòn giã khi màn hình chiếu lại hình ảnh GS.Ngô Bảo Châu bước lên bục danh dự nhận Giải thưởng Fields 2010 tại Hyderabad vừa qua.

Tiếp đó, xúc động trong vài giây, GS.Ngô Bảo Châu mới nói được lời tâm sự tại buổi lễ. GS bày tỏ lòng cảm kích tới Chính phủ và Nhà nước đã tổ chức buổi lễ chào mừng ông với tấm lòng trân trọng và chân thành.

Con đường khoa học và mong ước của GS.Ngô Bảo Châu ảnh 3
 

“Tôi thực sự cảm động khi niềm vui, niềm tự hào của Giải thưởng Fields đã được chia sẻ với đồng bào, bắt gặp niềm hân hoan, tự hào trong mắt bạn trẻ trong buổi lễ hôm nay. Nhưng trước khi nói về tương lai, chúng ta hãy điểm về quá khứ để xem những nhân tố nào đã đem đến thành công hôm nay” - GS.Châu bắt đầu.

“Từ khi còn bé, tôi đã hiểu bố mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Tiếp xúc với nước ngoài, tôi có thể hiểu rằng những đứa trẻ như tôi và bạn bè Việt Nam có phần thiệt thòi hơn, nhưng về học tập thì chưa chắc.

Tôi sinh ra trong gia đình trí thức, được bố mẹ đầu tư và dành mọi điều kiện tốt nhất về học tập, có lẽ bố mẹ hiểu được giá trị đích thực của đỉnh cao khoa học nên nghiên cứu khoa học đã ngấm sâu vào tôi từ lúc nào cũng không biết. Trong hầu hết các gia đình ở Việt Nam, việc học hành được coi là quan trọng nhất nhưng tình yêu tri  thức và tình yêu khoa học - theo ý kiến chủ quan của tôi - vẫn hiếm hoi” - GS chia sẻ.

GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields
GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Ảnh nguồn Internet

Tài năng toán học của một Ngô Bảo Châu ở tuổi học trò đã được cộng đồng Toán học Việt Nam nuôi dưỡng, từ các thầy cô dạy chuyên toán Trường THCS Trưng Vương, khối chuyên toán ĐH Khoa học Tự nhiên, các nhà toán học... Trong cộng đồng toán học ấy, người đi trước luôn dìu dắt người đi sau.

GS.Ngô Bảo Châu không bao giờ quên thầy giáo Phạm Hùng (khối chuyên toán ĐH Khoa học Tự nhiên) - người đã kèm cặp ông trong căn phòng vỏn vẹn 8m2 luôn nghi ngút mùi thuốc bắc vì thầy hay đau ốm, trong khi thù lao với thầy đôi khi chỉ là cân đường, viên thuốc bổ. GS.Châu cũng không quên ơn Chủ nhiệm Khoa Toán ĐH Sư phạm Paris - người đã giới thiệu ông với GS.Gerard Laumon, người thầy quan trọng đưa ông đến Giải thưởng Fields.

Và GS cũng nhắc đến Viện Nghiên cứu của ĐH Princeton (Mỹ) - nơi tập hợp các nhà toán học, vật lý hàng đầu thế giới, nơi Albert Einstein đã làm việc suốt 40 năm. “Nếu không làm việc ở đây, “Bổ đề cơ bản” có thể chưa hoàn thành vào thời điểm này” - GS.Châu nói. GS.Châu cũng đã nhắc đến một người bạn cũng là người bạn lớn của Việt Nam là ông Henry Rogemorter - người tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp, phản đối chiến tranh ở Đông Dương: “Ông đã qua Việt Nam nhiều lần và trở thành người bạn thân thiết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi có được may mắn sống trong ngôi nhà ông nhiều năm và học được rất nhiều ở ông”.

Con đường khoa học và lời nhắn gửi bạn trẻ

Nói về thành công khi nghiên cứu “Bổ đề cơ bản”, GS.Ngô Bảo Châu cho biết: “Từ hơn 3 năm nay, tôi có hiếm hoi được làm việc ở Viện nghiên cứu cơ bản. Ngoài một số nhỏ những GS cơ hữu ở viện, hầu hết các nhà vật lý, nhà toán học hàng đầu thế giới và thường xuyên có những nhà toán học trẻ đến làm việc. 

Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ Chính phủ Mỹ, các tổ chức tư nhân, các tổ chức công việc ở Viện Princeton thật sự đáng để học tập. Viện là lá cờ đầu về toán học và hiện là số một của Mỹ. Khi làm việc ở Viện này thì “Bổ đề cơ bản” của tôi mới được hoàn thành và với sự tiếp xúc với các nhà toán học thiên tài trên thế giới, tôi xác định rõ ràng được công việc tiếp theo của mình khi “Bổ đề cơ bản” đã được hoàn thành”.

Ảnh nguồn Internet
Ảnh nguồn Internet

Không đòi hỏi điều kiện làm việc cho riêng mình, GS Ngô Bảo Châu chỉ nói một cách ngắn gọn rằng môi trường lành mạnh là điều kiện cơ bản cho nghiên cứu khoa học và “cần một sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”. Nhắn gửi đến các nhà quản lý, các bậc cha mẹ, GS.Châu nói: “Nhiệm vụ của một nhà khoa học không chỉ đơn thuần là làm việc chuyên môn mà còn đem lại cơ hội cho các nhà khoa học trẻ trong cả nghiên cứu và cuộc sống”.

Về giải thưởng của mình, GS.Ngô Bảo Châu cho rằng: “Sự kiện này sẽ tạo nên tiền đề lớn cho sự thay đổi của nền toán học Việt Nam. Ít nhất đó cũng là tâm huyết của cá nhân tôi và các nhà khoa học trong nước trong giai đoạn hiện nay”.

Cuối bài phát biểu, GS Châu khẳng định: “Tôi cũng muốn tin rằng Giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường”.

Thu Hồng

Đọc thêm