Còn hơn 31 triệu người nông thôn chưa được dùng nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là số liệu được Bộ NN&PTNT đưa ra tại đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ NN&PTNT, toàn quốc hiện có 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 57 triệu người (88,5%), trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT đạt khoảng 33 triệu người (51,7%) với 41,6% từ công trình cấp nước tập trung và 10% từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Vùng miền núi phía Bắc đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước. Bên cạnh đó, trong 56% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ cấp nước hộ gia đình, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn chất lượng nước do chưa được quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn kiểm soát chất lượng nước tại hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, cung cấp và kinh doanh nước sạch còn chậm chưa được quan tâm thích đáng. Nhận thức của cộng đồng về sử dụng nước sạch còn chuyển biến chậm, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, kinh tế xã hội chưa phát triển.

Công tác xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về nước sạch nông thôn tại một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện; thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về nguồn nước và dữ liệu nước sạch nông thôn phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đang có khuynh hướng gia tăng, đặt ra những thách thức lớn cho giai đoạn sắp tới.

Từ kết quả kiểm tra, khảo sát, Bộ NN&PTNT cho rằng, tại một số địa phương sự quan tâm, vào cuộc của các sở ngành còn hạn chế; hệ thống các chính sách ban hành chậm đi vào cuộc sống, nhất là chính sách về quản lý, khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn, giá và bù giá nước, xã hội hóa nước sạch nông thôn; việc áp dụng các mô hình tổ chức quản lý, khai thác và vận hành thiếu linh hoạt, chậm đổi mới.

Bộ NN&PTNT cho rằng việc xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành công trình cấp nước hiện còn chậm. Cùng với đó, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước còn kém hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu công khai về danh mục dự án đầu tư và các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ.

Đối với vùng miền núi, tuy đã có một số mô hình tư nhân tham gia quản lý và khai thác nhưng còn mang tính tự phát, chỉ phù hợp với quy mô nhóm hộ gia đình. Thêm vào đó, do tiền nước thu được không đủ để bù đắp chi phí quản lý vận hành cùng với sự trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương, sự buông lỏng trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành đã dẫn tới công trình hoạt động kém hiệu quả, nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực đối với vùng khó khăn và hướng dẫn thực hiện để tránh hiện tượng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một số địa phương. Cùng với đó, sử dụng hài hòa nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án vay vốn ưu đãi nước ngoài, nguồn vốn vay tín dụng để đạt được các mục tiêu đề ra. Tránh đầu tư dàn trải, tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, vùng khó khăn, khan hiếm về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, ô nhiễm nguồn nước.

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động nguồn vốn, khoa học công nghệ và truyền thông; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong cấp và xử lý nước, đặc biệt trong công tác quản lý vận hành nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch. Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa không chỉ tại những vùng thuận lợi mà còn hướng tới những vùng khó khăn để phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa và giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn lực ngân sách nhà nước.

Đọc thêm