Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Chung, việc thí điểm này đã tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP của UBND quận/huyện, xã/phường. Hầu hết các quận, huyện đều đánh giá hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP có hiệu quả tại tuyến quận/huyện và cần phải duy trì và mở rộng. Đối với tuyến xã/phường, đặc biệt là xã cần tiếp tục thí điểm thêm.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Chung thẳng thắn thừa nhận, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra và xử lý vi phạm hành chính. Tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm. Do đây là lần đầu tiên triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại cơ sở, quy trình của cuộc thanh tra đòi hỏi chặt chẽ, phức tạp mất nhiều thời gian hơn so với kiểm tra nên số cơ sở được thanh tra ít hơn.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức tại tuyến xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thanh tra vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó khăn khi diễn ra thường xuyên. Cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã được tập huấn cấp chứng chỉ thanh tra, nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên còn sự e ngại. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả, thịt tại các chợ cóc, thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP TP Hà Nội cho biết, công tác ATTP luôn là vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong cuộc sống hàng ngày, gắn trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Ông Sửu cho rằng “ATTP là cuộc chiến đấu lâu dài bền bỉ, kiên trì. Thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu yêu cầu cần có cách làm sáng tạo hơn, biến Thủ đô thành TP năng động và đáng sống. Bên cạnh việc tuyên truyền phê phán cần tích cực tuyên truyền những đơn vị làm tốt, trong đó, báo chí cần đóng vai trò quan trọng.