Còn 'khoảng trống' về quy định dịch vụ đi xe ghép

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhanh gọn, tiện lợi, giá cả phải chăng, thời gian thoải mái là những tiện ích khiến dịch vụ đi xe ghép đang trở thành phương tiện di chuyển được nhiều hành khách lựa chọn. Tuy nhiên, tiện ích này lại chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Dễ dàng tìm thấy các nhóm xe ghép trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)
Dễ dàng tìm thấy các nhóm xe ghép trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)

Xe ghép “phủ sóng” không gian mạng

Hàng nghìn kết quả về từ khoá “xe ghép, xe đi chung” hiện lên trên trang tìm kiếm Google sau một click chuột. Từ các trang web với tên nguồn như dichungt…com; goch…vn; tim….com.vn;… cho đến các hội nhóm “Xe ghép Hà Nội - Hải Dương”; “Tìm xe, thuê xe tiện chuyến, xe ghép Hà Nội - các tỉnh”;… Tất cả đều hiện số điện thoại liên lạc với những lời giới thiệu, mời chào rất hấp dẫn như “đón tại nhà, giá thành hợp lý, trả người đúng điểm”…

Ngay sau khi liên hệ với số điện thoại đính kèm hoặc để lại số điện thoại và nói có nhu cầu, gần như ngay lập tức hành khách sẽ được thêm vào nhóm Zalo hoặc Facebook để tiếp tục cuộc đặt xe của mình. Cách đặt xe cũng rất đơn giản, chỉ cần nói thời gian, địa điểm, hành khách sẽ được sắp xếp ngay xe phù hợp với nhu cầu. Điểm đặc biệt là hầu như ở địa điểm nào xa hay gần, thời gian sáng sớm hay đêm muộn, “tổng đài” đều đáp ứng tốt.

Ưu điểm linh hoạt, nhanh gọn, tiện lợi, giá cả phải chăng đánh trúng nhu cầu tâm lý của nhiều hành khách. Nhiều năm trở lại đây xe ghép là một trong những dịch vụ phát triển rất mạnh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ở một số thành phố lớn, số lượng xe ghép có khi lên tới cả nghìn xe. Mặc dù hoạt động với số lượng lớn, nhưng không thể thống kê số lượng xe đi chung, xe ghép bởi phần lớn không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Có “lỗ hổng” trong quản lý?

Theo ghi nhận thực tế, hầu hết phương tiện tham gia dịch vụ này bề ngoài là phương tiện ô tô cá nhân thông thường với biển xe màu trắng, không dán phù hiệu kinh doanh vận tải. Nếu cẩn thận, lái xe thường dặn trước với khách là nếu bị hỏi thì nói là người nhà hoặc là đi du lịch, thăm họ hàng...

Đối với các xe ghép độc lập hay các xe tự lập nhóm vận chuyển hành khách, giá từng chuyến xe có thể do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống. Còn với các xe chịu sự quản lý và điều phối của “tổng đài” sẽ có bảng giá cụ thể, số tiền thu được, lái xe phải trả từ 10% đến 15% cho “tổng đài”.

Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải đăng ký kinh doanh. Nhà xe đã đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật phải chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Phải hoạt động theo hợp đồng, có điểm đón cụ thể, bảo đảm số lượng và phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Phải nộp các loại thuế, phí như: Lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... cùng các chi phí tuân thủ khác.

Tuy nhiên, hầu hết xe đang chạy ghép đều là xe cá nhân, không phải đổi sang biển màu vàng. Việc này thậm chí còn tạo ra thêm lợi thế cho các xe ghép khi vẫn có thể lưu thông vào giờ cao điểm, một số tuyến đường của Hà Nội cấm xe biển vàng để tránh ách tắc giao thông khu vực nội đô…

Nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ này còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ATGT, an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch giao thông và thất thu thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn và quyền lợi cho hành khách đi xe cũng là vấn đề cần được quan tâm. Dù tiện lợi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hành khách vì các xe này không được quản lý bằng thiết bị giám sát hành trình, không có bảo hiểm, nếu xảy ra vấn đề thì sẽ không được đền bù thiệt hại...

Các chuyên gia cho rằng, hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp, các quy định để phân định loại hình chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế phát triển của khoa học công nghệ, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP để giám sát chặt chẽ hoạt động đối với các loại hình kinh doanh vận tải, chống thất thu thuế, bảo đảm công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

Đọc thêm