Con ly hôn, bố bị chia tài sản

Vợ chồng ông Trị đã 78 tuổi có 7 người con phải vạ vật ở nhờ suốt 5 năm nay. Nguyên nhân là do sau phiên sơ thẩm, anh Ngần kháng cáo. TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ xử phúc thẩm nên cơ quan Thi hành án huyện Mê Linh cưỡng chế ngăn mảnh đất chị Hoà được chia.
Một vụ tranh chấp liên quan đến hôn nhân và gia đình qua các cấp xử ở huyện Mê Linh và tỉnh Vĩnh Phúc bị “đẩy” lên TANDTC. Ngày 23/12/2010, cơ quan này ra Quyết định Giám đốc thẩm huỷ án phúc thẩm giao xét xử lại. Tuy nhiên, TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử lại vẫn lấy tài sản của bố đẻ chia cho vụ ly hôn của con.

Hình minh họa

Tháng 5/1990, anh Nguyễn Văn Ngần (SN 1969) trú tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc (Mê Linh, Vĩnh Phúc) kết hôn với chị Tạ Thị Hoà (SN 1971) và có 2 con. Năm 1999, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và ngày 20/7/2007, TAND huyện Mê Linh xử cho anh Ngần và chị Hoà ly hôn.

Liên quan đến phân chia tài sản, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - cụ Nguyễn Văn Trị (bố đẻ anh Ngần) đang sở hữu tài sản hợp pháp là thửa đất có tổng diện tích 328m2 được cấp từ năm 1955; trong đó 154,98m2 cho vợ chồng anh Ngần mượn tạm để ở từ những năm 1990. Tại các Biên bản xác minh (ngày 26/5/2008) và Giấy chứng nhận (ngày 13/4/2011) UBND xã Liên Mạc xác nhận: "Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trị, Khu 11 thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc (Mê Linh, Hà Nội) có thửa đất thổ cư theo bản đồ 299 đo đạc năm 1986 vẫn mang tên ông Nguyễn Văn Trị, diện tích là 328m2, thửa số 59, tờ bản đồ số 01, chưa sang tên cho bất cứ một con nào".

Thế nhưng, TAND huyện Mê Linh tại Bản án số 06/2007/HNGĐ-ST ngày 20/7/2007 đã cho rằng "... Riêng mảnh đất 154,98m2 hiện anh Ngần chị Hoà đang ở, dù nguồn gốc trước kia là của cụ Trị... Nhưng trên thực tế năm 1990 cụ Trị đã phân chia cho anh Ngần chị Hoà sử dụng; hàng năm anh chị đều thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, sau đó xây nhà kiên cố...".

Còn tại phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ toạ hỏi chị Hoà: "Ông Trị đã bao giờ tuyên bố cho vợ chồng chị đất chưa?". Chị Hoà đáp “Chưa"! Thẩm phán hỏi tiếp: "Nếu ông Trị cho đất, sao chị không kê khai làm GCNQSDĐ?". Chị Hoà nói: "Tôi nhiều lần lên xã, huyện yêu cầu làm "sổ đỏ", nhưng các cấp nói rằng Đây là đất của ông Trị được cấp từ năm 1955 thời kỳ cải cách ruộng đất, ông ấy chưa tuyên bố cho vợ chồng chị, nên vợ chồng tôi không làm GCNQSDĐ được".

Bên cạnh đó, luật sư bên nguyên đơn cũng đưa ra những chứng cứ, lập luận đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm xác nhận diện tích đất 154,98m2 là của ông Trị vì hiện nay vẫn mang tên ông Trị và không có căn cứ xác định là tài sản chung của anh Ngần, chị Hoà..., nhưng đã không được HĐXX chấp  nhận. (trích Bản án số 21/2011/HNGĐ-PT, ngày 27/6/2011).

Ở một góc độ khác, cả hai cấp toà đều sai lầm khi nhận định và lập luận rằng: Vợ chồng anh Ngần, chị Hoà kết hôn và ở riêng năm 1990. Ở riêng có nghĩa là giao luôn mảnh đất đó cho họ. Trên thực tế, gia đình ông Trị (2 ông bà và 4 cô con gái) vẫn sống cùng một nhà, chỉ tách khẩu chứ không tách hộ. Sao hai cấp toà "đánh đồng khái niệm" như vậy?

Bên cạnh đó, Điều 467 - Bộ luật Dân sự quy định về Tặng cho bất động sản của, ghi rõ: "Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải được đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật, bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu" . Vậy cụ Trị có giấy tờ gì để chứng tỏ việc cụ đã tặng, cho mảnh đất 154,98m2 đối với vợ chồng anh Ngần, chị Hoà?.

Không ai có thể nghĩ rằng, hai vợ chồng ông Trị đã 78 tuổi có 7 người con lại phải vạ vật ở nhờ người nhà anh em suốt 5 năm nay. Nguyên nhân là do sau phiên sơ thẩm, anh Ngần kháng cáo. TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ xử phúc thẩm - bản án có hiệu lực nên cơ quan Thi hành án huyện Mê Linh cưỡng chế ngăn mảnh đất chị Hoà được chia.

Hy vọng, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người đang bị xâm phạm sớm được trả lại. Đồng thời những vi phạm trong thủ tục tố tụng về tranh chấp "hôn nhân và gia đình" sớm được cải thiện. Có như vậy mới chấm dứt được những bất công, phi lý.

Đức Dũng

Đọc thêm