Tôi nghĩ, tuổi trẻ được coi là khoảnh khắc tuyệt vời nhất một đời người, khi đó, ta đủ bốc đồng, đủ mơ mộng, lãng mạn và liều lĩnh thách thức cả thế gian này. Ta có thể hát, cười trong một ngày mưa tầm tã chẳng cần lý do. Ta có thể lao vào từng đợt sóng biển giữa đêm khuya chỉ nhờ chút niềm vui không rõ nguyên cớ.
Tôi nhớ về Vincent Van Gogh, về dòng thư mà ông đã chia sẻ với em trai, ông buồn rầu vì bản thân không thể khắc họa được con người, thiên nhiên giống như “yêu cầu” của trường phái ấn tượng. Ông tài năng, ông yêu hội họa, nhưng chao ôi, ông không phải là một kẻ chép tranh. Van Gogh là một họa sĩ, vì vậy, ông thà chống lại cả xã hội, chứ không thể quay lưng với niềm cảm hứng đang chảy trôi bên trong bản thân mình.
Và hãy nhìn lại tuổi trẻ! Đó là những năm tháng mà ta và cuộc đời đối chọi lẫn nhau. Cuộc đời muốn ta là ai đó? Muốn ta nhìn kìa, đó là một “quý bà thanh lịch và con phải trở thành bà ấy”, còn ta cãi lại, giằng ra khỏi xiềng xích. Ta bị ngã, ta bị những bài học đầu đời làm cho thất vọng. Ta bị những xấu hổ, tự ti bật khóc trong bóng tối. Nhưng khi ta hai mươi, ta sẽ lại đứng dậy, đôi chân ta tiếp tục chạy, đôi mắt ta tiếp tục lấp lánh. Bởi phía trước luôn là hy vọng, là bí ẩn mà ta khám phá, là chân trời mới mà nắng sẽ không bao giờ tắt.
Tôi thích Vincent Van Gogh, không phải vì ông xuất sắc nhất trong trường phái hậu ấn tượng, tôi tin rằng nhiều người đánh giá cao Paul Gaugin hơn. Tôi thích Van Gogh, thích tranh của ông, vì ông giống chúng tôi, nhìn bức tranh “Đêm đầy sao của ông” (Starry Night), ông đang vẽ gì, ông đang nghĩ gì? Vòng xoáy của những vì sao trên trời đêm, chúng có nghĩa gì? Chúng tưởng như thật phi lý, bướng bỉnh, kỳ lạ, chúng đem tôi vào một thế giới Gothic nhập nhằng, chẳng rõ nét. Nhưng tôi cứ lao vào, vì tôi thấy nó thật đẹp, nó khiến tôi thăng hoa.
Bức tranh tôi yêu thích nhất của Van Gogh đó là Starry Night Over the Rhone (Đêm đầy sao trên sông Rhone), ông đã chia sẻ với em trai Theo về lý do ông vẽ: “Một lần anh tản bộ dọc bờ biển vào ban đêm. Anh cảm giác bầu trời khi ấy không buồn, không vui – chỉ đơn giản là nó thật đẹp”. Tuổi trẻ cũng như vậy, đôi khi ta yêu một thứ gì đó, có thể là công việc, có thể là một người, mà chẳng rõ tại sao. Ta yêu vì ta yêu, vì khi thấy điều đó, nó làm ta mê mẩn và phủ một lớp kem màu hồng lên con mắt của chúng ta.
Một người bạn của tôi đã dùng cả tuổi trẻ suốt ba, bốn năm sau khi ra khỏi trường đại học, để cố gắng làm tiếp viên hàng không. Chỉ vì một chữ “thích”, cô thấy nó duyên dáng và đẹp đẽ. Cô ấy mong muốn được búi mái tóc cao phồng, mặc bộ áo vest có nơ ở cổ và nở nụ cười tươi tắn.
Lại có một người bạn khác của tôi bỏ cả tấm bằng đại học, thi lại vào trường múa chỉ vì cô ấy mê mẩn vẻ đẹp của những vũ điệu. Cô đến phòng tập múa, luyện tập đến mức kiệt quệ, bởi cô không thể rời mắt khỏi những bước chân, những cái uốn lưng nhịp nhàng bên chiếc dóng và tấm gương di động.
Nhưng trong khoảnh khắc tuổi trẻ ấy, ta đâu có hưởng thụ. Ta sợ hãi cảm xúc bồng bột của mình, ta rụt rè muốn nhanh bước vào thế giới đã được “định hình” của người trưởng thành. Ta sợ sự vô định, ta sợ một trò chơi bất quy tắc. Ta hoang mang, nhiều lúc như muốn phát điên, muốn cầu cứu ai đó lôi mình ra khỏi chốn hoang đàng, man dại này. Nhưng không có ai cả, ta giống như Vincent Van Gogh chạy lòng vòng trong cái thế giới hỗn độn không lối thoát. Không ai chấp nhận ta, không ai tin tưởng ta. Chỉ có ta với ta, một cái ta chưa hoàn thiện, khuyết thiếu, cần thêm những nét vẽ và màu sắc rõ ràng.
Giống như tranh của Van Gogh luôn phủ lên mình những gam màu lung linh, huyền ảo, nhưng ẩn bên dưới là máu và nước mắt. Tôi từng băn khoăn tại sao một con người như vậy lại có thể phát điên, lại mang trong mình một “tinh thần” bồng bột và hoang dại đến thế? Nhưng khi nhìn về tuổi trẻ, tôi đã tự phản lại “tại sao lại không?”.
Bên dưới những con người trẻ trung, với nụ cười thơ ngây kia, chẳng phải cũng ẩn chứa những lớp sóng ngầm đang dâng lên, thiêu đốt họ từng ngày sao? Năm tháng chẳng phải là “hồi chuông báo tử” cho tuổi trẻ sao? Và thế giới đang hiện hành này, không phải mỗi ngày đều làm họ phát điên và rồi sẽ phải dùng liều thuốc mang hai chữ “thực tế” để cứu chữa sao?
Tôi nhớ về bức tranh “Đêm đầy sao” nổi tiếng của Vincent Van Gogh, ông vẽ vào cuối đời, khi ông vẫn mơ về giây phút được chạm đến những vì sao xa xôi ở miền Nam nước Pháp. Ông vẽ bằng trí nhớ của mình, bằng gam màu xanh, vàng và những vòng xoáy bất tận trên nền trời thăm thẳm. Tôi lại nghĩ đến nhân vật Paul Bäumer trong tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” (Im Westen nichts Neues) của Erich Maria Remarque khi anh ta nói về một kẻ già nua trong thân xác tuổi mười chín. Một anh lính tiền tuyến đã bắn giết quá nhiều, đến mức không còn khả năng yêu cái chất thơ của cuộc đời này thêm một lần nữa.
Rồi tôi tự hỏi, phải chăng lúc “cáo chung” của Vincent Van Gogh, cũng giống hồi kết của tuổi trẻ, rồi đây, ta sẽ nhìn thế giới như cách của Paul Bäumer. Một thế giới trần trụi, khắc nghiệt, lạnh lùng và âm u. Một thế giới, mà mỗi ngày, con người đều vác trên mình những gánh nặng mang hai chữ “sống còn”. Một ngày nào đó, ta sẽ giống như những người ở thế kỷ hai mươi, lặng lẽ nhìn bức tranh của Van Gogh và phát hiện “À! hóa ra đã từng có một kiệt tác như vậy đã bị lãng quên trong đời của tôi”. Anh Nhi