Những ngày qua, chuyện ông Đoàn Văn Tưởng (SN 1972, ngụ thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) uống thuốc sâu tự vẫn khiến làng quê này xôn xao. Kẻ không rõ nội tình cho ông Tưởng dại dột; người hiểu thì thương cảm, bức xúc cho cái chết đầy ẩn ức của người đàn ông xấu số.
|
Di ảnh nạn nhân |
Bi kịch từ di vật của người quá cố
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Tưởng thực chất chỉ vì… cái trống hỏng. Nghĩ chiếc trống vốn là vật dụng thân thiết của bố nuôi khi còn sống hay dùng trong các dịp lễ Tết, nên đứa ông Tưởng mang trống sang nhờ người hàng xóm sửa lại.
Tuy nhiên, vì không đủ tiền trả công sửa nên ông Tưởng chạy đi vay tiền người quanh xóm. Trong lúc đó, mẹ nuôi ông Tưởng là cụ Kiều Thị Tẻo (76 tuổi), vì không đồng ý để con nuôi mang trống đi sửa bèn chạy sang hàng xóm ôm trống về, còn lớn tiếng quát tháo “đã không có tiền lại lắm chuyện”.
Người con nuôi vay được đủ tiền, về tới nơi không thấy trống, lại nghe người hàng xóm nói mẹ mình sang quát tháo đòi trống, tức tốc quay về nhà. Hai mẹ con lời qua tiếng lại, nạn nhân nhất quyết mang trống đi sửa, bà mẹ ôm trống khư khư giữ lại, chẳng ai chịu nhường ai.
Trong lúc to tiếng giằng co, bà mẹ bị xô ngã khiến chiếc trống đập vào tay. Bà mẹ chạy ra ngõ “bù lu bù loa”: “Thằng con trai đánh chết tôi”, rồi chạy đi gọi họ hàng để “xử thằng con bất hiếu”.
Khoảng mấy phút sau, anh em con cháu bên đằng ngoại cụ Tẻo đã có mặt, người vác điếu cày, người cầm cán chổi xông đến đánh đứa con nuôi tới tấp.
Bị đến 4 - 5 người tấn công, nạn nhân không thể chống trả, vùng chạy ra cổng nhưng vẫn bị đuổi theo. Nhiều người dân chứng kiến cho biết, dù nạn nhân đã bỏ chạy nhưng vẫn bị truy đuổi tới cùng, đám người chỉ dừng tay khi có rất đông người làng vào can ngăn.
Trong thời gian ông Tưởng bị hành hung, bà mẹ nuôi lên chính quyền địa phương báo việc mình bị con nuôi đánh, yêu cầu chính quyền đến lập biên bản “răn đe”.
Không tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện, không biết chuyện ông Tưởng vừa bị người nhà cụ Tẻo hành hung, chính quyền tiến hành lập biên bản hành vi đánh mẹ nuôi, yêu cầu ông không được tái phạm.
Cảm thấy bị oan ức, người con nuôi chạy xuống dưới bếp, cầm con dao định tự tử nhưng người nhà đã đề phòng, nhanh chóng giằng con dao ra khỏi tay. Sau vụ tự tử bằng dao bất thành, mọi người khuyên ông Tưởng không làm điều dại dột. Thấy ông im lặng bỏ ra ngoài, nghĩ chuyện đã ổn, mọi người kéo nhau lên nhà ngồi.
Khoảng 15 phút sau, người ta thấy ông Tưởng đứng ở sân, trên tay cầm hai chai thuốc sâu, một chai đã hết, chai kia còn non nửa. Chưa kịp hiểu chuyện gì, người nhà nghe ông Tưởng hét: “Hôm nay tôi quyết chết ở đây” rồi ngửa cổ uống hết phần thuốc sâu còn lại. Người nhà tá hỏa đưa ông đi cấp cứu nhưng vì nhiễm thuốc sâu quá nặng, ông Tưởng qua đời ngay sau đó.
Đứa con cả đời bị hắt hủi, bị người nhà mẹ nuôi đánh đập
Theo người dân địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ông Tưởng là do chịu quá nhiều ấm ức trong suốt khoảng thời gian dài, đỉnh điểm chính là vụ bị người nhà mẹ nuôi nạn nhân hành hung, rồi lại bị lập biên bản oan.
|
Giữa sân này, uất ức bị phân biệt đối xử, ông Tưởng đã tự vẫn. |
Nạn nhân là con nuôi, vợ chồng cụ Tẻo không có con trai xin về từ khi ông còn là đứa trẻ 4 - 5 tuổi. Từ ngày còn bé, người mẹ vốn đã không ưa đứa con nuôi, thường đối xử phân biệt, nhưng ngày đó chồng bà còn sống, nên mâu thuẫn giữa hai mẹ con chỉ là mấy chuyện lặt vặt.
Từ khi chồng mất, cụ Tẻo ghét đứa con nuôi ra mặt, từ chuyện nhỏ đến chuyện to, bà đều kiếm cớ gây sự khiến mâu thuẫn giữa hai mẹ con ngày càng căng thẳng.
Người con trưởng của nạn nhân cho biết, cách đây khoảng một tháng, người nhà bà ngoại nuôi đã đánh cha mình. Đợt đó, dù bị đánh khá đau nhưng ông Tưởng không báo chính quyền, chỉ âm thầm chịu đựng vì nghĩ “người một nhà nên không muốn vạch áo cho người xem lưng”.
Hôm xảy ra sự việc, rõ ràng người nhà cụ Tẻo xông đến đánh nạn nhân “thừa sống thiếu chết”, nhưng chính quyền chỉ tiến hành lập biên bản về hành vi ông Tưởng đánh mẹ nuôi như lời bà Tẻo báo.
Bị đám người nhà đánh đập, thêm người mẹ nuôi “ác miệng” khiến nạn nhân quá phẫn uất, không suy nghĩ thấu đáo nên mới có hành động dại đột. Một số người cho biết, ông Tưởng chết rồi nhưng bà mẹ nuôi đã không tỏ ý thương xót, lại còn rêu rao: “Tự nó chuốc lấy chứ ai bắt nó phải chết”.
Có dấu hiệu tội bức tử?
Ngay khi vụ việc xảy ra, công an xã Võng Xuyên phối hợp công an huyện Phúc Thọ triệu tập, lấy lời khai các đối tượng tham gia hành hung ông Tưởng nhằm phục vụ công tác điều tra. Các đối tượng đều đã thừa nhận hành hung nạn nhân trước khi ông Tưởng tìm đến cái chết.
Người nhà nạn nhân tỏ ý bức xúc trước hành động hung hãn của nhóm đối tượng, gián tiếp đẩy ông Tưởng đến cái chết. “Bố tôi đến lúc chết vẫn không thể nhắm mắt, chú tôi có vuốt và giữ mắt đến chục phút nhưng cứ gỡ tay ra, mắt bố tôi lại mở trừng trừng như người còn sống. Người ta nói, vì bố tôi chết oan nên mới như vậy”, người con trai đau đớn.
Nạn nhân có 3 người con trai, con cả đã lập gia đình hiện sống cùng bà nội nuôi, chính là bà Tẻo. Gia cảnh nạn nhân rất khó khăn, người vợ vốn có tiền sử bệnh tim nên đau ốm quanh năm suốt tháng, ông Tưởng là trụ cột chính trong nhà. Ngoài việc đồng ruộng, nạn nhân còn là an ninh viên của thôn nhưng tiền lương không đủ trang trải cuộc sống.
Việc nạn nhân quyết tìm đến cái chết ngay sau khi bị người nhà mẹ nuôi đánh đập khiến rất nhiều người dân địa phương bức xúc.
Theo một số người dân, trước kia người nhà nạn nhân có ý khuyên ông đưa cả gia đình vào miền Nam làm ăn, tránh xung đột giữa hai mẹ con ông. Nhưng nạn nhân kiên quyết ở lại, nói: “Bà Tẻo dù sao cũng đã có công dưỡng dục tôi từ tấm bé, cả nhà phải nhớ điều này, ở lại để báo hiếu”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam), các đối tượng đánh đập dằn hắt ông Tưởng đã có dấu hiệu phạm tội bức tử.
Luật sư Bạch Tuyết Hoa (Hà Nội) cho hay, Điều 100 Bộ luật Hình sự quy định tội bức tử như sau: “Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Theo Xa lộ pháp luật