'Con số chết người' trong vụ chìm phà trên sông Đồng Nai

(PLO) - Phà có tải trọng 15 người hoặc 1 tấn nhưng lại liều lĩnh chở xe tải loại 2,4 tấn và gần 6 tấn quả mít trên xe. Nguy hiểm hơn, phà do người bị tước bằng tài công điều khiển.
Kéo phà chìm vào bờ
Kéo phà chìm vào bờ

4 người theo phà chìm xuống sông

Ngày 4/3/2016, ông Dương Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, Sở đang cùng các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ chìm phà trên sông Đồng Nai.

Theo biên bản hiện trường, 19h ngày 1/3, tại bến đò ngang ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán đã xảy ra vụ chìm phà nghiêm trọng. Chiếc phà mang biển số 0872 do ông Hồ Sĩ Long làm chủ (người địa phương), điều khiển chở theo xe tải biển số 60C-080.07 (chưa rõ chủ phương tiện). Tại thời điểm chìm, trên phà có 4 người, gồm 2 người lái xe tải, ông Long và cháu ông Long (phụ phà, tên Phạm Quốc Lượng).

Bước đầu xác định khi phà xuất bến, xe tải để trên phà bị trôi làm lệch phà qua một bên dẫn đến chìm phà. Địa điểm phà chìm cách bờ khoảng 15 mét.

Phương tiện phà chở xe tải cho phép kéo, đẩy chỉ 15 người hoặc 1 tấn và không được phép chở xe tải. Trong khi đó, chiếc xe tải được đưa lên phà có tải trọng 2,4 tấn và còn chở theo 6 tấn quả mít. 

Theo người dân nuôi cá bè ở hai bên bờ sông, thời điểm xảy ra tai nạn, họ nghe dưới sông phát ra tiếng động lớn, chiếc phà nghiêng rồi chìm xuống đáy sông. 

Sau đó, có 4 người lóp ngóp từ dưới sông ngoi lên, run rẩy vì nước sông lạnh. Hỏi ra được biết khi phà chìm, có 2 người ở trong xe tải. 2 người này khi lên bờ được mọi người đốt củi sưởi ấm. 

Chiếc xe tải được trục vớt
Chiếc xe tải được trục vớt

Đã cảnh báo

Ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch huyện Định Quán cho biết, chủ phà đã nhiều lần xin phép được mở bến phà ngang qua sông Đồng Nai tại đây. Tuy nhiên, “chúng tôi không đồng ý nên không đề nghị Sở Giao thông Vận tải cấp phép vì nơi đây rất nguy hiểm. Cách đó, về phía hạ nguồn sông Đồng Nai khoảng vài chục mét có một ghềnh thác rất cao. Mùa mưa lũ nước chảy rất xiết có thể xảy ra tai nạn khôn lường khi các phương tiện qua lại. Mặt khác, cách đó vài trăm mét đã có một bến phà được cấp phép cho người dân qua lại hai huyện Định Quán và Tân Phú rồi”, ông Biên nói.

Về chủ phà, ông Nam cho biết: “Cơ quan chức năng đã từng xử lý bằng cách tháo máy phà. Sau đó chủ phà lại tiếp tục sửa chữa và lén lút vận chuyển khách”.

Khoảng 1 tuần trước vụ chìm phà, phóng viên đã phản ánh qua điện thoại với ông Biên và một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải về tình trạng nguy hiểm và tai nạn rình rập tại bến phà tự phát này. 

Ngày 22/2, Thanh tra Giao thông huyện Định Quán đã đến bến đò lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Long. Theo đó, đình chỉ hoạt động của bến phà, tạm giữ bằng thuyền trưởng của ông Long. Biên bản chưa kịp đóng phạt thì xảy ra tai nạn như trên.

Vào trưa ngày 1/3 (hôm xảy ra vụ chìm phà), phóng viên quay trở lại bến phà này và ghi nhận phà vẫn vận chuyển khách qua sông bình thường như không có chuyện gì xảy ra. 

Nghiêm trọng hơn, lần này cháu ông Long, phụ tàu tên Lượng điều khiển chiếc phà chở nhiều khách qua sông cho biết không có bằng tài công, nhưng “được phép” của ông Long cho chạy.

Vụ việc tiếp tục được làm rõ. 

Đọc thêm