Cách xưng hô trong một số gia đình đã trở nên tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực, làm cho quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu bền vững... Thống kê xã hội học cho thấy, rất nhiều tội phạm vị thành niên có xuất phát điểm là những gia đình thiếu sự tôn trọng nhau giữa các thành viên, thể hiện từ biểu hiện nhỏ nhất là văn hóa xưng hô.
Gần đây, một cuộc khảo sát đã được tiến hành ở ba tỉnh thành là Hà Nội, Bắc Ninh và Nam Định với cùng chung một câu hỏi: “Có phải gia phong chỉ có ở gia đình thời phong kiến?”. Kết quả cho thấy có tới 93,9% người được hỏi không đồng ý với quan điểm này. Điều đó chứng tỏ cuộc sống dù hiện đại tới đâu thì gia phong vẫn đóng vai trò là chất keo kết dính, là áo giáp bảo vệ gia đình.
Lung lay văn hóa xưng hô
Chuyện ra tòa ly hôn của nhà anh Việt ở Mỹ Đình, HN, chỉ vì những câu xưng hô đã trở thành chuyện ai cũng biết trong cái xóm nhỏ ấy. Vợ chồng cùng công chức nhà nước, ban đầu họ sống với nhau rất thuận hòa. Rồi chị My vợ anh Việt có cơ hội chuyển sang công ty nước ngoài lĩnh lương bằng "đô".
Ngày qua tháng lại, chị bắt đầu nhìn mọi người trong cái xóm lao động của mình bằng nửa con mắt. Thuê người giúp việc chị yêu cầu không được nói chuyện với hàng xóm vì “nhà mình thuộc đẳng cấp khác”, con hàng xóm sang chơi với con chị, chị xua về vì sợ nó lấy trộm đồ chơi đắt tiền.
Anh Việt thấy thái độ của vợ như vậy góp ý nhẹ nhàng, đại ý vợ chồng mình bố mẹ ở xa, có chuyện gì chỉ biết cậy nhờ xóm giếng, nên đừng ăn ở cạn tàu ráo máng thế. Nào ngờ chị mạnh miêng tuyên bố: “Thôi ông đừng dạy đời nữa!”.
Anh giận chị vì câu nói sẵng một, thì giận chị vì lối xưng hô gọi chồng bằng "ông" mười. Góp gió thành bão họ đã ra tòa vì những điều nhỏ nhặt như thế thay vì lý do thường thấy như kinh tế, ngoại tình.
Gia phong là gì?
Hiểu một cách đơn giản gia phong là từ dùng để chỉ “nếp nhà”, tức những vấn đề thuộc về lĩnh vực quản lý giáo dục con cháu trong gia đình, về tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nề nếp trong ứng xử tinh thần hiếu học cần cù lao động, tôn trọng đạo lý lẽ phải tình thương... trong mỗi gia đình.
Không có văn bản nào quy định gia phong là gì và nó là cái gì cụ thể, nhưng phạm trù gia phong mang ý nghĩa giáo dục truyền thống gia đình.
|
Hiện nay, có một vấn đề cần tiếng chuông cảnh tỉnh, đó là văn hóa xưng hô trong gia đình hiện đại.
Các thế hệ sống chung dưới một mái nhà với các mối quan hệ như: ông bà, cha mẹ, ông bà, cháu, cha mẹ, con cái, anh chị em với nhau... với cách xưng hô tương ứng đã tạo nên một lối hành xử bất thành văn nhưng được đảm bảo thực hiện bằng bổn phận và trách nhiệm của nhau trong một gia đình, họ hàng, dòng tộc.
Thế nhưng, giờ đây cách xưng hô trong một số gia đình đã trở nên tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực, làm cho quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu bền vững. Vợ chồng khi nóng giận sẵn sàng ông-tôi, tao-mày với nhau, thậm chí văng tục; con cái gọi bố mẹ bà “ông bà bô, ông bà khốt” và lên mạng mạt sát cha mẹ chỉ vì không đáp ứng yêu cầu vật chất.
Thống kê xã hội học cho thấy, rất nhiều tội phạm vị thành niên có xuất phát điểm là những gia đình thiếu sự tôn trọng nhau giữa các thành viên, thể hiện từ biểu hiện nhỏ nhất là văn hóa xưng hô.
Đưa gia phong vào hương ước
Gia phong có còn vị trí đối với sự phát triển của gia đình và xã hội hiện đại hay không?. Đó là câu hỏi được đặt ra trong rất nhiều cuộc tọa đàm về vấn đề gia phong trong thời kỳ hội nhập. Một vấn đề cũng cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, bên cạnh suy nghĩ lệch lạc của từng cá nhân thì chính những mặt trái của xã hội hiện đại đã có ảnh hưởng rất lớn, tiêu cực đến gia phong.
Đó là sức ép của công việc kiếm tiền, bằng cấp, tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm không lành mạnh, nghèo đói, thất nghiệp, học vấn thấp…
Những sức ép này khiến cho gia đình đảo lộn mọi trật tự, bố mẹ đâm ra sợ con, nịnh con vì con là thu nhập chính trong nhà, con cái ngả theo cha/mẹ nhiều hơn và coi thường người còn lại vì không đáp ứng được nhu cầu vật chất, việc làm…
Thậm chí, gia phong trong gia đình còn bị lung lay bởi những chuyện tưởng như chẳng liên quan gì như con gái ham giàu lấy chồng già, con rể gần bằng tuổi bố mẹ vợ nên xưng hô ông bà-tôi với nhà vợ. Từ chỗ xưng hô thiếu tôn trọng dẫn đến coi thường là con đường rất ngắn.
Trước sự “nhiễm bệnh” của “tế bào” gia đình, tại nhiều địa phương, vấn đề gia phong đã được đưa ra thảo luận công khai trong cộng đồng, được đưa vào những điều khoản quy định cụ thể trong hương ước, qui ước của làng xã, được coi là tiêu chí cơ bản để xây dựng và phát triển mô hình làng văn hóa.
Đơn cử như Hương ước làng Thị Chung, xã Kinh Bắc, Bắc Ninh: “Gia đình hòa thuận, kính trên nhường dưới, thương yêu đùm bọc, giữ gìn gia phong, không có những thành viên mắc những tệ nạn xã hội”; Quy ước xây dựng làng văn hóa Y Na, xã Kinh Bắc, Bắc Ninh: “Trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, con cháu trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, trên kính, dưới nhường, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giữ gìn truyền thống, nề nếp, gia phong”.
Dương Nhi