Công an Từ Liêm lạm quyền, đẩy người vi phạm hành chính vào tù?

Một Tổ trưởng Tổ công tác Cảnh sát trật tự không có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã tự ý thu giữ phương tiện của người dân đưa lên xe ô tô mà không lập biên bản vi phạm. Một vi phạm hành chính bị đẩy lên thành một vụ án hình sự “chống người thi hành công vụ”. Sự lạm quyền này đang diễn ra tại Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội, đẩy người dân vào vòng lao lý.

Một Tổ trưởng Tổ công tác Cảnh sát trật tự không có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã tự ý thu giữ phương tiện của người dân đưa lên xe ô tô mà không lập biên bản vi phạm. Một vi phạm hành chính bị đẩy lên thành một vụ án hình sự “chống người thi hành công vụ”. Sự lạm quyền này đang diễn ra tại Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội, đẩy người dân vào vòng lao lý.

Vũ Kim Hoa và 3 Công an Đồn 19 tại Tòa. Ảnh: Hữu Tuấn

Công an vi phạm pháp luật

Ngày 29/3, TAND huyện Từ Liêm xử sơ thẩm, tuyên phạt Vũ Kim Hoa (SN 1973, chủ quán phở “Hoa” - Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) 6 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Vũ Kim Hoa đã có đơn kháng cáo. Những người chứng kiến sự việc cũng có chung nhận định, vi phạm của Vũ Kim Hoa chỉ là vi phạm hành chính.

Sự việc xảy ra vào sáng 11/12/2012, khi Tổ công tác Cảnh sát trật tự Đồn Công an số 19 (Từ Liêm, Hà Nội) gồm 3 cảnh sát là Nguyễn Thanh Tài, Vũ Tiến Hùng và Vũ Đình Thành đi làm nhiệm vụ xử lý vi phạm trật tự trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Thấy quán phở “Hoa” ( số 13 Phạm Văn Đồng) kê bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, tổ công tác nhắc nhở, thu giữ bàn ghế đưa lên xe ô tô. Vũ Kim Hoa (chủ quán Phở) chạy ra giằng lại bàn ghế. Hai bên lời qua tiếng lại, theo phản ánh của Công an Vũ Tiến Hùng, lúc bức xúc, Vũ Kim Hoa đã cầm bát phở khách ăn xong ở bàn hắt 1 ít nước phở vào người anh này.

Ngay sau đó, Hoa  bị Tổ Công tác lôi lên xe, bị cơ quan CSĐT CA huyện Từ Liêm tạm giữ 3 ngày và đến ngày 19/12/2012 thì có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “chống người thi hành công vụ”.

Phân tích về tình huống này, GS.TS, Luật sư Đỗ Ngọc Quang - Trưởng Văn phòng Luật sư Loseby - nhận định: Nguyên nhân dẫn đến việc Vũ Kim Hoa giằng lại bàn ghế, có lời nói bất nhã với Tổ Cảnh sát trật tự là do Tổ Cảnh sát này thu giữ bàn ghế lên xe ô tô của cảnh sát.

Tuy nhiên, việc tịch thu bàn ghế bán phở lấn chiếm vỉa hè của gia đình Vũ Kim Hoa không thuộc thẩm quyền của Tổ Cảnh sát trật tự Đồn Công an số 19. Cụ thể, bàn ghế của gia đình Vũ Kim Hoa bày ra vỉa hè để bán phở chính là phương tiện vi phạm hành chính.

Theo điểm d, khoản 5 Điều 31 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, chỉ Trưởng Đồn công an mới có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Công an Vũ Tiến Hùng không phải là Đồn trưởng, chỉ là một Tổ trưởng Tổ công tác nên không được phép thu giữ bàn ghế mà phải lập biên bản vi phạm theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Tổ công tác do anh Vũ Tiến Hùng làm Tổ trưởng đã không lập biên bản vi phạm hành chính mà thu giữ luôn bàn ghế của gia đình Vũ Kim Hoa là vi phạm pháp luật. “Nói cách khác, hành vi này của Vũ Tiến Hùng và các thành viên khác trong Tổ là lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, GS.TS Đỗ Ngọc Quang khẳng định.

Đẩy người dân vào vòng lao lý

Theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự, chống người thi hành công vụ là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”. 

Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5/1/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự có nêu tội chống người thi hành công vụ thể hiện: “Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ như đánh, trói… nhưng chưa gây chết người, thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người thi hành công vụ, hoặc đe dọa sẽ đánh, trói người đó”; “Dùng thủ đoạn khác là dùng mọi thủ đoạn cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện nhưng hành vi vi phạm pháp luật như: dùng số đông người lấy danh nghĩa thương binh cưỡng ép cán bộ quản lý thị trường cho đem hàng hóa đầu cơ đang bị tạm giữ, cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai thác trái phép đang bị tạm giữ v.v…”.

Chiếu theo các quy định của pháp luật hình sự về tội chống người thi hành công vụ với thực tế vụ án xảy ra thì rõ ràng việc truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa phù hợp với hành vi vi phạm của Vũ Kim Hoa. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người có hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị:

“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ”. Như vậy, hành vi của Vũ Kim Hoa là vi phạm hành chính chứ không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

Từ sai phạm của Công an Vũ Tiến Hùng, kéo theo sai phạm của người dân, nhưng đáng ra xử người dân vi phạm hành chính thì các cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm lại khởi tố, truy tố, xét xử người dân về tội “Chống người thi hành công vụ”. Lẽ nào, các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm đã “đâm lao” rồi phải “theo lao”?.

Hồng Thúy

Đọc thêm