Trong quá trình tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, nghiêm cấm việc tùy tiện ngăn chặn, kiểm soát, cản trở người và phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng Công an xã tuyệt đối không được dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Không được cản trở người, phương tiện tham gia giao thông
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP “quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết”.
|
Theo quy định, nguyên tắc hoạt động của lực lượng cảnh sát phối hợp là bảo đảm đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian đã đề ra trong kế hoạch; không được tùy tiện đặt ra các quy định về trật tự, an toàn giao thông hoặc tùy tiện ngăn chặn, kiểm soát, cản trở người và phương tiện tham gia giao thông. Việc xử lý vi phạm hành chính khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Lực lượng được huy động gồm có: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Công an phụ trách xã, Công an phường (gọi chung là Cảnh sát khác); Công an xã, Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy (gọi chung là Công an xã).
Trong quá trình triển khai, nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường bộ là xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể: Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội quyết định việc huy động thì Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt có trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Trường hợp Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc huy động thì Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Trường hợp Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định việc huy động thì Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch.
Ngoài ra, CSGT đường bộ còn có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thôn; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Nghiêm cấm Công an xã dừng xe trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Cũng theo Thông tư, lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã có các nhiệm vụ sau: bố trí lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch; thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ…..Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đáng chú ý, lực lượng Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông sau: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Bộ Công an nghiêm cấm việc Công an xã dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị phương tiện nghiệp vụ như còi, gậy chỉ huy giao thông và các biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ….
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2011.
Việt Nga