Cổng chào văn hóa: Mỗi nơi một kiểu

Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa là một trong những nội dung của công tác xây dựng đơn vị văn hóa. Tuy nhiên, việc thiếu định hướng và chỉ đạo kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác này đã gây ra sự lãng phí không cần thiết. Việc xây dựng các cổng chào văn hóa ở các địa phương là một ví dụ.

Cổng chào văn hóa thôn Trà Kiểm (Hòa Vang) (ảnh trái).

Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa là một trong những nội dung của công tác xây dựng đơn vị văn hóa. Tuy nhiên, việc thiếu định hướng và chỉ đạo kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác này đã gây ra sự lãng phí không cần thiết. Việc xây dựng các cổng chào văn hóa ở các địa phương là một ví dụ.

Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố, phong trào xã hội hóa các thiết chế văn hóa như xây dựng nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa, cổng chào văn hóa... đã được người dân hưởng ứng tích cực, góp phần làm cho bộ mặt ở từng thôn, xóm, khu phố khang trang, sạch đẹp. Trong đó, cổng chào văn hóa cũng là một thiết chế văn hóa quan trọng. Điều đó đã được minh chứng, bởi hiện nay trên địa bàn thành phố có hàng nghìn cổng chào văn hóa.

 Tuy nhiên, nhiều người nhận xét rằng, cổng chào văn hóa trên địa bàn thành phố hiện nay “mỗi nơi làm một kiểu”, chẳng ai giống ai. Có cái thì được làm bằng bê-tông cốt sắt kiên cố, kiến trúc thiết kế nửa kim, nửa cổ, có cổng thì được dựng lên bằng khung sắt với các  kiểu dáng từ hình vuông cho đến hình thang. Còn màu sắc thì vô cùng phong phú… Điểm tương đồng có lẽ là nội dung khẩu hiệu đã được viết, vẽ, gắn trên cổng. Đó là các câu như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”...

Cổng chào văn hóa thôn Trà Kiểm (Hòa Vang) (ảnh trái). 

Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng cổng chào văn hóa ở thôn, xóm, khối phố là hoàn toàn tự phát. Đến nay, thành phố chưa có quy định cụ thể nào về việc xây dựng cổng chào này, không có văn bản nào nói cho phép xây hoặc cấm xây, vì thế mà trong một thời gian dài ở các địa phương mạnh ai nấy làm. Địa phương nào huy động được nhiều thì xây cổng to đẹp, xóm nào vận động được ít thì cổng chào cũng đơn giản hơn. Vì vậy, sự không đồng nhất về hình dáng, kích thước... là điều đương nhiên.

Nên chăng, các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố cần thống nhất các hình mẫu cổng chào phù hợp với nét đẹp văn hóa truyền thống, mà giá thành vừa phải để các địa phương căn cứ vào đó mà xây dựng. Có như vậy mới tạo nên sự thống nhất, quy củ của từng loại cổng chào ở mỗi địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, để thành phố ngày càng tươi đẹp, văn minh. Cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng cổng chào văn hóa, thành phố nên có một quy định rõ ràng hơn như tuyến đường nào, khu vực nào thì cho xây dựng cổng chào như thế nào, làm sao để có sự thống nhất tương xứng với không gian đô thị của thành phố.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG

Đọc thêm