Dự thảo Thông tư gồm 4 điều; quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự và vị trí công tác trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp ở địa phương. Thông tư áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan tư pháp địa phương.
Đáng chú ý, theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng thì thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Để vừa đảm bảo thực hiện thống nhất, thuận lợi và vừa đảm bảo tính ổn định, chuyên sâu trong công tác tư pháp, dự thảo Thông tư xác định cụ thể và cố định thời hạn chuyển đổi đối với từng vị trí. Đối với vị trí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm là 02 năm; đối với vị trí trong lĩnh vực liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, lĩnh vực tài chính, kế toán là 03 năm, riêng kế toán trưởng, phụ trách kế toán là 05 năm do được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và để thuận tiện kết hợp với việc luân chuyển lãnh đạo, quản lý trong trường hợp kế toán trưởng, phụ trách kế toán giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; còn lại vị trí trong các lĩnh vực khác là 05 năm.
Trước đó, ngày 09 tháng 7 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số1277/QĐ-BTP về danh mục các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp trên cơ sở Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định Danh mục các vị trí công tác và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158 đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.