Công chứng cũng "mất phương hướng" vì CMND kiểu mới

Công chứng viên tại các Văn phòng công chứng đang kêu ca chuyện một người hai số CMND trong các giấy tờ giao dịch đã khiến họ mất “phương hướng”, mất thời gian khi tiến hành việc công chứng.

[links()] Công chứng viên tại các Văn phòng công chứng đang kêu ca chuyện một người hai số CMND trong các giấy tờ giao dịch đã khiến họ mất “phương hướng”, mất thời gian khi tiến hành việc công chứng.

Quá nhiều kiểu xác nhận

Từ thực tiễn công tác trong lĩnh vực công chứng các giao dịch, hợp đồng,… ông Nguyễn Tú, Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) khẳng định với PLVN, CMND mới đang gây khó khăn cho người dân và cả cán bộ công chứng.

Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)

“Những người đã dùng số CMND cũ trong các sổ tiết kiệm, hộ khẩu, các hợp đồng… thì nay mang các giấy tờ đó đi giao dịch khá vất vả. Không như các ngân hàng, có thể “linh động” giải quyết vì khách hàng quen, khách hàng là thượng đế nhưng với các Văn phòng công chứng thì không thể như thế được, bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc 2 số cũ - mới đều là của một cá nhân thì công chứng viên mới đủ cơ sở công chứng. Chúng tôi buộc phải yêu cầu người dân đi xin xác nhận của cơ quan công an về việc đó. Đó là nguyên tắc chứ chẳng phải “hành, tỏi” gì ở đây cả”, ông Tú nói.  

Cũng theo ông Tú, người dân khi quay trở lại công chứng đã mang đến những kiểu xác nhận khác nhau. Người thì được cơ quan Công an xác nhận vào trong sổ hộ khẩu ngay ở mục số CMND của cá nhân. Có người thì xin được tờ xác nhận của cơ quan Công an với nội dung người có CMND 9 số chính là người đang sở hữu CMND 12 số. “Điều này cho thấy chưa có một quy định thống nhất, công khai nào cho việc xác nhận nên vẫn mỗi nơi làm một phách, thiếu sự nghiêm túc”, ông Tú nhận xét.

“Không như các ngân hàng có thể “linh động” giải quyết vì khách hàng quen, khách hàng là “thượng đế” nhưng với các Văn phòng công chứng thì không thể như thế được, bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc 2 số cũ  - mới đều là của một cá nhân thì Công chứng viên mới đủ cơ sở công chứng. Chúng tôi buộc phải yêu cầu người dân đi xin xác nhận của cơ quan Công an về việc đó. Đó là nguyên tắc chứ chẳng phải “hành, tỏi” gì ở đây cả...”, Công chứng viên Nguyễn Tú.

Một Công chứng viên khác thì cho hay, tại một cuộc họp tập huấn về giám định nhận dạng tài liệu trong hoạt động công chứng ở Hà Nội mới đây, một chuyên gia giám định kỹ thuật hình sự nhận định dấu vân tay trên CMND mới mờ nên không đảm bảo khi nhận dạng để đối chứng với vân tay trong các tài liệu giám định.

“Không chỉ có chuyên gia giám định hình sự mà ngay chúng tôi cũng thực sự thấy khó khăn cho Công chứng viên khi phải đối chiếu dấu vân tay trên CMND mới với các tài liệu khác.

Chẳng hạn, có trường hợp phải điểm chỉ vào văn bản công chứng hoặc người không biết chữ, không ký được thì phải điểm chỉ vào hợp đồng nhưng vân tay trên CMND mới có cái bị nhòe, không phản ánh được đặc điểm dấu vết vân tay khiến chúng tôi không thể nhận biết và khẳng định được người trong tài liệu với người có CMND là một”, Công chứng viên này nói.

Cần có biểu mẫu thống nhất

 Còn nhớ, ngay ngày đầu tiên triển khai cấp CMND mẫu mới, Bộ Công an cho biết sẽ có bản xác nhận đối với cá nhân khi được cấp CMND mẫu mới về việc 9 số hay 12 số vẫn là một người. Nhưng thực tế hiện nay chỉ cấp bản xác nhận khi công dân có yêu cầu. Nhiều người khi sử dụng phát sinh rắc rối mới quay lại xin xác nhận và lại mất thêm thời gian chờ được cấp xác nhận nên đã nảy sinh tâm lý ngại.

Bởi vậy, nên chăng cơ quan Công an cần cấp đồng loạt ngay từ đầu bản xác nhận này, tránh việc người dân đi lại nhiều lần. Việc xác nhận vào sổ hộ khẩu là chưa ổn vì bất tiện, nếu trường hợp phải đổi sổ hộ khẩu thì cũng mất luôn xác nhận đó. Lúc đó, công dân lại bị một lần phiền toái nữa.

Tổng cục VII Bộ Công an cũng đã từng có văn bản gửi tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm y tế, các ngân hàng thương mại, Tổng cục Địa chính, Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam… để các cơ quan nhanh chóng có sự điều chỉnh trong công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch.

Nhưng thực tế đến nay vẫn còn tình trạng các cơ quan chưa thông suốt. Tổng cục VII Bộ Công an thời gian qua cũng đã có vài văn bản trả lời, giải thích riêng cho từng cơ quan có thắc mắc. Nhưng với những cơ quan không thắc mắc thì đến nay cũng không biết họ hiểu và thực hiện đến đâu.

Để khắc phục những bất nhất trong quá trình thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan Công an cần có một biểu mẫu thống nhất và công khai để đính chính thông tin 9 số hay 12 số đều của một cá nhân. Giấy tờ đó không chỉ phục vụ cho cơ quan Công an mà còn cho cả các cơ quan khác khi cần kiểm tra, đối chiếu xác định nhân thân của một chủ thể.

Và hơn hết là để tiện cho người dân trong mọi hoạt động, giao dịch. Khi đã thống nhất, công khai cũng sẽ tránh được việc thắc mắc, thậm chí lợi dụng việc này để gây khó dễ cho người dân khi thực hiện các giao dịch, nhất là giao dịch trong lĩnh vực nhà, đất từ phía cơ quan chức năng.

P.T - V.T

Đọc thêm