Những “chân trời mới” với du lịch số
Từ sau khi mở cửa lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, ngành Du lịch đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã thể hiện rõ quan điểm này thông qua Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Đề án đặt ra mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Bên cạnh đó, trong Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 cũng chú trọng nhiệm vụ chuyển đổi số trong toàn ngành Du lịch. Với nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số, Chương trình yêu cầu phải chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đáng chú ý, vào tháng 8/2022, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã lần đầu cho ra mắt Tài liệu “Chuyển đổi số trong ngành du lịch: Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Đến tháng 2/2023, đơn vị này đã cập nhật phiên bản mới của Tài liệu này, cung cấp khung hướng dẫn các giải pháp tổng thể và hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, vai trò của các bên liên quan và lộ trình, bước đi, công cụ cụ thể để triển khai chuyển đổi số; hướng dẫn kết nối tích hợp vào các nền tảng số của Ngành. Mục tiêu của văn bản này nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý, địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn Ngành.
Trong năm 2023, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm sâu sắc và chỉ đạo quyết liệt công tác phục hồi và phát triển ngành Du lịch nước nhà, trong đó xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Đơn cử, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết nêu rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch.
Mới đây, tại Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh - ITE HCMC 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định: “Đây là thời điểm có tính lịch sử cho sự chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và du lịch sẽ là một ngành tiên phong trong lĩnh vực kinh tế”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “các động lực tăng trưởng nhờ những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực giá rẻ đang bị thay thế một cách nhanh chóng bởi các nguồn lực, nguồn tài nguyên mới đó là tri thức và tài nguyên số. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu”.
Như vậy, chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để du lịch kết nối với các hệ sinh thái liên quan, như vận tải, lưu trú, thương mại..., từ đó mở ra các không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức mới theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Thực tế đã chứng minh, khi những nét độc đáo của di sản, văn hoá được số hoá, du khách trong và ngoài nước có thêm nhiều trải nghiệm hơn với ngành Du lịch nước ta thông qua các nền tảng trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo...
Các tiện ích số như visa điện tử, ứng dụng đặt phòng lưu trú, đặt phương tiện vận tải, đặt vé vào điểm đến, ẩm thực hay các dịch vụ khác cùng với thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn trong ngành Du lịch, giúp du khách tiếp cận và lựa chọn các sản phẩm du lịch chủ động, nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn. Chuyển đổi số còn là giải pháp thúc đẩy xanh hóa trong du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, di sản...
Ngoài ra, du lịch số là cơ sở, nền tảng tạo sức hút mạnh mẽ, quảng bá và xúc tiến cho du lịch trực tiếp, để du lịch Việt Nam có thể “tìm đến” những du khách quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới từ 10 - 25%. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm thuộc nhóm này.
Phát huy vai trò tiên phong
|
Các giải pháp du lịch số ngày càng phổ biến sau đại dịch. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet). |
Cũng tại Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số. Chính phủ Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số.
Cũng tại sự kiện quan trọng này, vị “tư lệnh” ngành VH,TT&DL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong thời gian qua, việc chuyển đổi số trong du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực. Đơn cử, nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo. Ngoài ra, các giải pháp nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh được tăng cường đầu tư, phát triển. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp được tập trung xây dựng; truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch kỹ thuật số được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Du lịch là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số... Do đó, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác, song cũng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể. Quan điểm xuyên suốt là: Tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, bám sát phương châm “doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực”, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa; Chuyển đổi số vừa là động lực, tạo sức bật cho ngành Du lịch, vừa phát huy được những thành quả đã tạo dựng, vừa mở ra một không gian, tiềm năng mới cho ngành Du lịch phát triển xanh, hiệu quả, bền vững.
Thống kê 8 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt khách quốc tế và 86 triệu lượt khách nội địa. Về lượng khách quốc tế, ngành Du lịch có nhiều khả năng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, thậm chí còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm. Nhất là sau khi chính sách thị thực mới có hiệu lực, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam.