Cộng đồng Đạ Tẻh cùng chăm lo cho mái ấm người nghèo

Đạ Tẻh là một huyện kinh tế mới, thuần nông, với nhiều thành phần dân cư, dân tộc từ  các tỉnh, thành trong cả nước về làm ăn lập nghiệp.

Đạ Tẻh là một huyện kinh tế mới, thuần nông, với nhiều thành phần dân cư, dân tộc từ  các tỉnh, thành trong cả nước về làm ăn lập nghiệp. Toàn huyện hiện có 2 xã và 6 thôn nghèo đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo chung của cả huyện đến cuối năm 2010 theo tiêu chí cũ còn 13,42%;

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ quý III/2009, huyện Đạ Tẻh đã tích cực triển khai chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Từ thực tế kết quả khảo sát, sự phân bổ của UBND tỉnh, huyện Đạ Tẻh đã đề ra kế hoạch trong 2 năm 2009 và 2010, giải quyết hỗ trợ 441 căn nhà cho hộ nghèo theo quy định tại quyết định 167 với tổng kinh phí 4.400.000.000 đồng. Kết quả năm 2009, huyện Đạ Tẻh đã giải quyết được 200 căn nhà cho hộ nghèo. Cùng với số tiền được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng/căn, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Ban chỉ đạo của huyện và các xã, thị trấn đã vận động các tổ chức đoàn thể và mọi người dân tham gia giúp đỡ ngày công lao động, nguyên vật liệu; các hộ được hỗ trợ đóng góp thêm kinh phí để xây dựng căn nhà chắc chắn và thuận tiện hơn cho sinh hoạt sau khi hoàn thành. Do vậy, kinh phí của mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đã tăng từ 5 đến 30 triệu đồng. Tính đến giữa tháng 12/2010, toàn huyện đã có hơn 200 căn nhà hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; hiện còn lại 17 căn đang trong giai đoạn hoàn tất và sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng trước tết Nguyên đán Tân Mão, giúp hộ nghèo đón xuân mới đầm ấm vui tươi hơn, nâng tổng số nhà hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo theo quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện là 441 căn; trong đó 2 xã nghèo là Mỹ Đức có 134 căn và Quốc Oai có 101 căn.

Cùng với chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo theo quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua công tác tuyên truyền, kêu gọi giúp đỡ từ các cơ quan, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài huyện; sự hỗ trợ từ quỹ vì người nghèo của tỉnh, trong năm 2009 và 2010, huyện Đạ Tẻh đã triển khai xây dựng thêm 88 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và các gia đình chính sách với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Chia sẻ với người nghèo trong huyện trong chương trình xóa nhà tạm, trong gần 2 năm qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đóng chân trên địa bàn đã nhiệt tình hưởng ứng tích cực như: Công ty Xổ số kiến thiết Lâm Đồng hỗ trợ 200.000.000 đồng  để xây 10 căn nhà; Quỹ chất độc Da cam của tỉnh; Ban liên lạc bộ đội Trường sơn, Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng; Chi nhánh ngân hàng công thương Thành phố Bảo Lộc, huyện đoàn Đức Trọng và công ty dầu khí cũng đã chung tay cùng địa phương xây tặng 14 căn nhà cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với kinh phí 160.000.000 đồng. Chưa kể phong trào quyên góp, ủng hộ tiền xây dựng nhà tình thương cho hội viên nghèo của các tổ chức: Cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên… Như vậy, tính đến cuối năm 2010, huyện Đạ Tẻh đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và chương trình xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo trong huyện.

Đánh giá kết quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở trên địa bàn, ông Đỗ Phú Quới, Bí thư Huyện ủy, người khởi nguồn cho cuộc vận động ủng hộ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo nhân kỷ niệm 30 năm Đạ Tẻh hình thành và phát triển năm 2006 đã khẳng định: “Hơn 500 căn nhà trao tặng hộ nghèo, gia đình chính sách trong gần 2 năm qua là thể hiện trách nhiệm và tình cảm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện trong việc chăm lo, chia sẻ với người nghèo. Đây thực sự là những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; vừa khơi dậy và phát huy đạo lý cưu mang đùm bọc truyền thống của cha ông ta từ ngàn xưa, vừa là nguồn động viên, khích lệ chính các hộ nghèo tự tin, tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong lao động sản xuất và sinh hoạt để từng bước thoát nghèo vươn lên”!.
Phạm Công Tám

Đọc thêm