Cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô với việc giữ gìn văn hóa truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm ven dòng suối Nậm Lương thơ mộng, dưới chân núi Khau A sừng sững, cộng đồng sinh sống của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) được biết đến là nơi giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc riêng. Trải qua bao đời, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những giá trị tốt đẹp vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.   

Nằm ở phía Đông Bắc huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai, xã Nghĩa Đô là nơi định cư từ lâu đời của trên 90% đồng bào dân tộc Tày của tỉnh Lào Cai. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, những nét đẹp truyền thống từ nếp nhà, trang phục, ngôn ngữ đến tinh thần đoàn kết trong cộng đồng đã được mỗi người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn. 

Về Nghĩa Đô hôm nay, hình ảnh đầu tiên mà mỗi người có thể bắt gặp là những căn nhà sàn vững chãi được bao bọc bởi cây rừng và cánh đồng lúa xanh ngát, nằm bên dòng suối Nậm Luông, tạo nên một bức tranh thơ mộng, yên bình. Không gian nhà sàn truyền thống của người Tày Nghĩa Đô là nơi diễn ra các sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình, bên cạnh đó, đây còn là nơi lưu giữ những phong tục tập quán mang đậm bản sắc quê hương.

Nhà sàn của người Tày tại xã Nghĩa Đô. Ảnh: Thế Lượng
Nhà sàn của người Tày tại xã Nghĩa Đô. Ảnh: Thế Lượng 

Hàng năm, các gia đình người Tày Nghĩa Đô tuần tự tổ chức các ngày lễ, tết đặc biệt có ý nghĩa như tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, Tết mừng lúa mới…Trong ngôi nhà sàn ấm cúng, thông qua mỗi dịp đoàn tụ, sum vầy, cùng gia đình thưởng thức những món ăn đậm vị truyền thống, những người cao tuổi là ông bà, bố mẹ sẽ dạy cho con trẻ biết về phong tục của quê hương, dân tộc mình. Để mỗi đứa trẻ sau này biết trân trọng, gìn giữ từng nếp nhà mà thế hệ trước đã dựng xây. 

Với người Tày Nghĩa Đô, tiếng nói bản địa được coi là tài sản quý giá cần được gìn giữ. So với tiếng Tày ở các vùng khác, tiếng Tày Nghĩa Đô mang đậm bản sắc riêng, có âm sắc trầm, cách phát âm rõ nét và dễ nghe hơn. Ngay từ khi mới sinh ra và lớn lên, những đứa trẻ nơi đây đã được các pả (bà), ấm (mẹ), pò (bố) dạy cho biết cách phát âm tiếng Tày. Trước khi đi học mầm non học tiếng Việt, những đứa trẻ Tày Nghĩa Đô đã biết nói và giao tiếp thành thạo ngôn ngữ bản địa. Đây được coi là cách để mỗi người Tày Nghĩa Đô luôn yêu tiếng bản địa và luôn nhớ về nguồn cội của mình. 

Cọn nước, vẻ đẹp ở dòng suối Nậm Luông Nghĩa Đô. Ảnh: Thế Lượng
Cọn nước, vẻ đẹp ở dòng suối Nậm Luông Nghĩa Đô. Ảnh: Thế Lượng 

Cùng với tiếng nói thì trang phục được các gia đình Tày ở Nghĩa Đô gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Trong lao động và sinh hoạt thường ngày, phụ nữ Tày vẫn mặc những chiếc váy, áo màu chàm truyền thống của dân tộc mình. Vào dịp lễ Tết, họ diện những chiếc áo dài Tày, đầu vấn khăn, tay đeo vòng được làm bởi những nghệ nhân khéo léo. Còn những người đàn ông Tày thì luôn mặc những bộ trang phục áo chàm ngắn cùng mũ nồi trong cuộc sống thường ngày và trong cả lễ hội. 

Trong các dịp quan trọng, đặc biệt là ngày cưới, điều bắt buộc là cô dâu và chú rể phải mặc trang phục của người Tày chứ không có sự pha tạp của các bộ trang phục khác. Ngày nay, học sinh Nghĩa Đô đến trường từ bậc mầm non đến THPT, các gia đình người Tày vẫn chuẩn bị cho các em những bộ trang phục truyền thống để mặc vào đầu tuần hay những ngày lễ lớn.  

Văn hóa ứng xử của người Tày Nghĩa Đô cũng được biết đến từ lâu như một nét đẹp không phai nhạt theo thời gian. Chính từ trong mỗi gia đình, văn hóa ứng xử đã được người Tày gìn giữ và truyền lại. Đó là lối sống đoàn kết giữa các gia đình giữa các bản, giữa anh em trong họ, ngoài họ khi mỗi gia đình có công to, việc lớn. Họ đến để giúp nhau làm nhà, cày ruộng, cấy lúa,... 

Phong cảnh làng quê người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên ( Lào Cai) đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Phạm Triển
Phong cảnh làng quê người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên ( Lào Cai) đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Phạm Triển

Ý thức được những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình và không ngừng khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, người Tày Nghĩa Đô đã cùng nhau tạo nên một không gian sống mang đậm văn hóa truyền thống. Không những vậy, với tinh thần đoàn kết, người dân nơi đây đã từng bước xây dựng đời sống mới, tạo nên diện mạo khang trang hơn cho quê hương mình. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng được xây dựng đã thu hút đông đảo du khách mọi miền và cả du khách nước ngoài đến tham quan, đã giúp đời sống của người dân được nâng cao hơn.  

Cùng với người dân, chính quyền địa phương cũng đã đưa ra nhiều phương án giúp văn hóa của người Tày Nghĩa Đô được bảo tồn và phát huy giá trị.

Mới đây nhất, huyện Bảo Yên đã công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày tại xã Nghĩa Đô. Vị trí của trung tâm được đặt trong không gian tổng thể của Nghĩa Đô với bản làng truyền thống, dòng suối Nậm Luông thơ mộng, cảnh quan núi rừng sẽ giúp bảo tồn cảnh quan và lưu giữ được những giá trị vốn có. Theo kỳ vọng, trung tâm sẽ là công trình mang tính biểu tượng, tạo ấn tượng với du khách và trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch.

Đọc thêm