Với chủ đề “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ”, Đại hội lần này nhằm xác định đường hướng hoạt động cụ thể của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong thời gian tới. Đại hội lần này sẽ đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo. Theo đó, trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.
Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt hiệu quả cao. Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm đường giao thông, công trình phúc lợi. Nhiều địa phương có đồng bào Công giáo sinh sống được lựa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới như Hải Hậu (Nam Định), Xuân Lộc (Đồng Nai)...
Nét nổi bật khác nữa là hoạt động từ thiện nhân đạo. Nét đẹp này đã được phát huy từ giá trị đạo đức và nhân đạo sâu sắc của hoạt động Công giáo, thể hiện qua nhiều hoạt động thường xuyên như: với sự giúp đỡ của đồng bào Công giáo TPHCM, 2 ngàn sinh viên, học sinh nghèo được cấp học bổng, hơn 16 ngàn em được học tập ở các lớp học tình thương, lớp học nghề; 920 cụ già neo đơn được trợ cấp, chăm sóc hàng ngày. Tại Phú Yên, đồng bào Công giáo đã ủng hộ 13,2 tỷ đồng các hoạt động từ thiện...
Đại hội cũng sẽ hiệp thương cử ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023. Đến nay, Ủy ban đã có mặt trên 42 tỉnh, thành phố và thành lập 286 Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện... Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ủy ban sẽ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã có. Đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện đường hướng “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ”.