Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trong thời gian qua là rất quyết liệt, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia. Nhiều bức xúc trong nhân dân cũng đã được giải tỏa, nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhiều năm đã được kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm.
Kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã có tác động tích cực đến tình hình khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân được dự báo sẽ tăng và tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường nếu không được giải quyết từ “gốc”.
Giải quyết xong lại… bị khiếu nại
Cùng với những vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo thì ngay cả một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được các cơ quan thẩm quyền giải quyết “thấu tình, đạt lý” nhưng công dân vẫn không chấp nhận, liên tục “tái” khiếu kiện, làm cho tình hình thêm phức tạp.
Chỉ tính trong số 481 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giải quyết theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), có đến 20% vụ việc tiếp tục bị khiếu nại (43 vụ việc công dân vẫn đến khiếu nại tại Trụ sở Tiếp dân Trung ương, chiếm 9%; 53 vụ việc công dân vẫn gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ, chiếm 11%).
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay được Thanh tra Chính phủ xác định là do cơ chế chính sách vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở…, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn yếu kém, vi phạm, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai nhưng khi phát sinh thì không tập trung xử lý, giải quyết ngay tại cơ sở.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - còn chỉ ra, chính sự “né tránh” của lãnh đạo địa phương trong tổ chức đối thoại với công dân, việc hướng dẫn, chuyển đơn còn “lòng vòng”, không đúng quy định cùng với việc thực hiện các quyết định giải quyết chưa triệt để, thiếu công khai, không dân chủ, không bàn với dân, xử lý vi phạm chưa nghiêm cũng đang làm công dân rất bức xúc, thiếu tin tưởng, nên để giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn, người dân lựa chọn giải pháp thay thế là khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, một trong những hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng được Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ ra là do kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân còn hạn chế, tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn cao (khoảng 60%).
Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước
Đánh giá nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng nhận thấy công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương thực hiện chưa tốt, thậm chí có sai phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của công dân, nhất là trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền lợi của công dân lại chưa được một số địa phương chú trọng do còn ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không muốn thay đổi quyết định giải quyết, không mạnh dạn sửa sai, chỉ đến khi có khiếu nại, tố cáo mới ngồi lại để bàn như phản ánh của ông Nguyễn Mạnh Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT.
Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra phức tạp, đông người, không để xảy ra điểm nóng, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất, tăng cường đối thoại với công dân để giải quyết các vụ việc phức tạp, hướng dẫn và giải thích pháp luật cho người khiếu nại.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp tiếp công dân và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người và có tính chất bức xúc, phức tạp và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình hình khiếu nại, tố cáo nghiêm trọng, phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn.
Đa phần các khiếu nại xuất phát từ những khúc mắc của người dân với chính quyền cơ sở. Vì thế, “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng phải chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND cấp huyện, nếu thấy cần thiết thì cũng phải kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với một số trường hợp và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị.
Đến tháng 6 phải giải quyết xong 47 vụ tồn đọng
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo tổ chức tiếp công dân, tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện đông người, gay gắt, kéo dài, đến tháng 6 phải giải quyết dứt điểm 47 vụ tồn đọng theo Kế hoạch 1130. Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Chính phủ thành lập ngay Đoàn kiểm tra, cùng với UBND các tỉnh, TP tổ chức tiếp dân, đối thoại tại địa phương, bàn biện pháp giải quyết, không để công dân lưu lại dài ngày ở Thủ đô Hà Nội, gây phức tạp về an ninh trật tự.