Theo đó, ngày 1/4/2014, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên chính thức ký Quyết định số 81 về việc thanh tra công tác cổ phần hóa và các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại Công ty cổ phần Trung Đô.
Ngoài việc cổ phần hóa doanh nghiệp bị đoàn thanh tra “sờ gáy”, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành xác minh, làm rõ một số nội dung liên quan đến các dấu hiệu sai phạm khác của ông Nguyễn Hồng Sơn khi còn là Giám đốc Công ty Xây dựng số 6.
Theo Quyết định số 81, trưởng đoàn thanh tra Công ty cổ phần Trung Đô do Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đứng đầu, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng làm phó trưởng đoàn. Đoàn thanh tra được thành lập với tổng cộng 8 thành viên với thời hạn thanh tra được đặt ra là 45 ngày.
Như Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài phản ánh, theo xác minh của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), cuối năm 2005, Công ty Xây dựng số 6 do ông Sơn làm Giám đốc đã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 474 người lao động “thuộc diện biên chế” của công ty này, tuy nhiên triển khai thực hiện trên thực tế đã có dấu hiệu làm trái quy định tại Nghị định số 41 của Chính phủ và Thông tư số 19 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Hành vi của ông Sơn được C48 đặt vấn đề về việc gây thiệt hại khoảng 3,1 tỷ đồng tài sản nhà nước. Trách nhiệm được xác định thuộc về ông Sơn, là Giám đốc, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Công ty Xây dựng số 6, là người trực tiếp chỉ đạo lập, ký hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo C48, hiện nay đơn vị này đang củng cố tài liệu về sai phạm nêu trên của ông Sơn và các cá nhân liên quan để kết luận, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục xác minh, làm rõ những dấu hiệu sai phạm của ông Sơn và Ban Giám đốc công ty trong việc thu tiền bảo hiểm xã hội không đúng quy định của những người lao động không làm việc trong thời gian 2000 – 2005; việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA xây dựng trường học cho các tỉnh miền Trung và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) của Công ty Xây dựng số 6.
Đủ căn cứ để khởi tố vụ án
Nhìn nhận về vụ việc, nhiều chuyên gia làm luật cho hay, vụ việc gây thất thoát 3,1 tỷ đồng nói trên hoàn toàn có căn cứ để khởi tố vụ án. Theo luật sư Ngụy Thành Thắng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Nghị định 41/2002/NĐ-CP và năm 2004 Bộ LĐTB&XH đã có thông tư số 19/2004/TT- BLĐTBXH hướng dẫn rất rõ việc thực hiện Nghị định trên, hưỡng dẫn rõ đối tượng được thụ hưởng. “Việc làm hồ sơ cho đối tượng được thụ hưởng Nghị định 41 tại Công ty xây dựng số 6 diễn ra vào thời điểm khi Nghị định 41 đã được áp dụng, đi vào cuộc sống, lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp phải có nghĩa vụ, trách nhiệm nắm rõ tinh thần này. Quá trình thực hiện vẫn làm sai đối tượng và gây thiệt hại cho Nhà nước trên 3,1 tỉ đồng theo như xác định của C48, Bộ Công an thì có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự”, luật sư Thắng cho biết.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…