Trước thông tin sẽ tốn 1 tỷ USD nếu TP Hà Nội “bắn mây ngăn mưa” trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Tiến sĩ (TS) Trần Duy Bình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, giá thực tế cho việc chủ động ngăn mưa thấp hơn nhiều. Phó Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hôm qua đồng ý với đề xuất của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo không “bắn mây” ngăn mưa để tiết kiệm chi phí, song TS Bình cũng cho rằng “giá thành chưa phải là vấn đề, mà quan trọng là chúng ta không còn thời gian”. “Nếu muốn bắn mây để phá mưa, cần 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị các thủ tục về quốc phòng - an ninh, bởi không phải cứ có máy bay là bay lên được. Trong khi đó, thời gian từ nay đến đại lễ chỉ còn hơn 70 ngày. Chưa kể chúng ta không có công nghệ, phải nhập, thuê nước ngoài làm hoàn toàn”, TS Bình nói. Từng là người khởi xướng làm mưa nhân tạo từ năm 1998, TS Bình cho biết, để bắn mây để phá mưa, người ta dùng một tên lửa bắn hóa chất lên những đám mây đang chuẩn bị gây ra mưa để có thể mưa trước, hoặc sau thời gian tiến hành đại lễ. Hoặc thậm chí, nếu thấy gần mưa không phá được thì sẽ phải tác động để di chuyển mây, gây mưa sang một vùng khác.
|
Trung Quốc phóng tên lửa khí tượng ngăn mưa năm 2008. (Ảnh: Universetoday) |
Cũng theo TS Bình, công nghệ ngăn mưa không mới vì trước đây Trung Quốc, Nga sử dụng rất nhiều. “Năm 1957, Việt Nam cũng được Trung Quốc hỗ trợ đã thử nghiệm tạo mưa thành công ở Đồng bằng Bắc bộ. So với cơ chế tạo mưa nhân tạo, việc phá mây để ngăn mưa không phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam đã không có ý định phát triển công nghệ này”, TS Bình cho biết. Ở góc độ kinh tế, theo TS Bình, con số 1 tỷ USD để chi phí cho đợt bắn mưa là “cao không tưởng”. Năm 2000, Việt Nam từng thực hiện dự án bay thử nghiệm làm mưa nhân tạo, dùng máy bay, hóa chất, tổng số thời gian lên đến hàng trăm giờ bay, song cũng chỉ hết 500.000 USD. “Số thời gian bay kéo dài trong nhiều đợt, cả tháng ròng rã nếu có tính trượt giá ở thời điểm này thì con số cũng không thể lên tới 1 tỷ USD”, TS Bình tính toán. Giá cho việc bắn mây ngăn mưa cũng có thể tham chiếu từ thông tin từ Cục Khí tượng Bắc Kinh: Vào thời điểm diễn ra thế vận hội Olypic Bắc Kinh 2008, thành phố này đã bắn tổng số 1.104 quả tên lửa để chặn một dải mây gây mưa ở khu vực sân vận động Tổ Chim trong dịp khai mạc thế vận hội từ 21 địa điểm trong thành phố vào thời gian 16 - 23h39 ngày 8/8/2008. Tổng chi chi phí cho i-ốt bạc (12,75 USD/ống), tên lửa (290 USD/quả)… cũng chỉ khoảng 500.000 USD (theo Xinhua.net và beijing2008.cn). Theo TS Bình, sở dĩ tại Trung Quốc, Nga, ngăn mưa hay tạo ra mưa là việc bình thường và thực hiện thường xuyên bởi họ có sẵn công nghệ và sự chuẩn bị về mặt chuyên môn. Vì vậy, bất cứ khi nào cần, gần như chỉ thêm vài động thái là các nước này thực hiện được những việc trên. Việt Nam hiện mới chỉ có điều kiện tiếp nhận công nghệ và một vài phương tiện là máy bay chuyên dùng, bắn pháo... “Giả sử có chi hàng chục tỷ USD, song nếu không chủ động về công nghệ thì không phải lúc nào cũng thực hiện được”, TS Bình nhận định.
Theo Bích Ngọc
Đất Việt
Đất Việt