Công nghệ hiện đại 'tiếp lửa' bảo tồn di sản nghe nhìn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ là những bài ca đi cùng năm tháng hay những tác phẩm sống mãi với thời gian, di sản nghe nhìn bao hàm nhiều giá trị văn hóa quan trọng gắn kết quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, sự phát triển của công nghệ đôi khi khiến loại hình di sản này phải đối mặt với việc bị lãng quên. Thế nhưng, nếu biết tận dụng tốt, công nghệ hiện đại sẽ góp phần “tiếp lửa” cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghe nhìn một cách hiệu quả hơn bao giờ hết.
Thực hiện số hóa phim tại Viện Phim Việt Nam. (Ảnh: Thụy Du)
Thực hiện số hóa phim tại Viện Phim Việt Nam. (Ảnh: Thụy Du)

Di sản nghe nhìn trong thời đại 4.0

Sau hơn 20 năm kể từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm từ khi sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước, cùng sự ủng hộ từ đông đảo Nhân dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhờ đó, các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được những hiệu quả tích cực, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong kho tàng di sản văn hoá khổng lồ, bên cạnh những loại hình di sản được chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy, thì di sản nghe nhìn - dạng di sản gắn kết với quá khứ thông qua âm thanh và hình ảnh lại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Mặc dù chứa đựng những giá trị đặc sắc và là nguồn tài nguyên quý giá để các thế hệ tương lai hiểu được lịch sử nhưng loại hình di sản này vẫn thường bị xem nhẹ trong các chính sách bảo tồn. Dẫn đến việc nhiều bộ sưu tập âm thanh và nghe nhìn quý giá bị thất thoát, số còn lại có nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Nguy cơ này càng nhìn nhận thấy rõ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, khi ngày càng nhiều sản phẩm nghe nhìn đa dạng, hấp dẫn xuất hiện tạo ra thách thức lớn trong việc làm thế nào để những di sản nghe nhìn không bị lãng quên. Thực tế cho thấy sự bùng nổ của công nghệ tác động đến mọi mặt đời sống của con người, từ cách thức tiếp nhận thông tin cho đến cách giao tiếp xã hội.

Tương tự, các di sản nghe nhìn phải cạnh tranh với các nội dung giải trí hiện đại như phim ảnh, âm nhạc trực tuyến và các nền tảng xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng tiêu thụ nội dung hiện đại khiến cho nhiều người dễ dàng tiếp cận những sản phẩm giải trí mới mà không mất nhiều thời gian. Chỉ đơn giản với một cú click chuột trên máy tính hay một cử chỉ trên màn hình điện thoại, người dùng đã có thể thưởng thức những bộ phim “bom tấn”, những bản nhạc mới nhất hay các clip hài hước trên mạng xã hội. Trong khi các di sản nghe nhìn hầu hết đều là hiện vật gốc lại rất khó tiếp cận.

Có thể thấy, những sản phẩm văn hóa mới, đa dạng và hấp dẫn từ các nền tảng số không ngừng chiếm lĩnh không gian văn hoá, khiến di sản nghe nhìn bị lu mờ và ít được biết đến hơn. Từ đó dẫn đến việc công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hình thành một khoảng trống nhận thức và hiểu biết về văn hoá truyền thống, khiến cho giá trị và ý nghĩa của di sản nghe nhìn ngày càng bị lãng quên.

Công nghệ giúp lưu trữ di sản nghe nhìn

Số hóa là giải pháp tối ưu cho công tác bảo quản và lưu trữ phim nhựa. (Nguồn: Bảo tàng Đắk Lắk)

Số hóa là giải pháp tối ưu cho công tác bảo quản và lưu trữ phim nhựa. (Nguồn: Bảo tàng Đắk Lắk)

Nhìn vào bối cảnh trên, có thể thấy di sản nghe nhìn đang có nguy cơ mất đi chỗ đứng trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Điều này đe dọa đến việc bảo tồn di sản nghe nhìn trong tương lai, bởi nếu không được nhớ đến, công tác bảo tồn di sản nghe nhìn cũng sẽ không được Đảng và Nhà nước quan tâm, Nhân dân ủng hộ, từ đó nhiều tác phẩm quý giá có thể bị lãng quên, hoặc tệ hơn là bị hủy hoại do không được bảo quản đúng cách.

Việt Nam có khối lượng phim, tài liệu ảnh, ghi âm, ghi hình đồ sộ qua các thời kỳ đang được lưu trữ, bảo quản tại các cơ quan, đơn vị, đây chính là kho di sản nghe nhìn quý giá của quốc gia. Tuy nhiên, việc lưu giữ và bảo quản các nguồn tài liệu nghe nhìn chưa bao giờ là dễ dàng, chưa được quan tâm đúng mức, thiếu một chiến lược tổng thể, di sản nghe nhìn ở Việt Nam đang ngày càng mai một.

Trước nguy cơ này, công nghệ hiện đại mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời để bảo tồn di sản nghe nhìn. Trong đó, số hóa vật liệu nghe nhìn có thể là xu hướng tất yếu nhằm bảo tồn và phát huy các khối di sản này. Bằng cách chuyển đổi các tác phẩm di sản thành định dạng số, không chỉ bảo vệ chúng khỏi sự xuống cấp do thời gian và môi trường, mà còn giúp sắp xếp, truy xuất dữ liệu một cách nhanh chóng, chia sẽ dữ liệu thuận lợi, dễ dàng. Từ đó tạo điều kiện tối đa cho nhu cầu đưa thông tin hiện vật đến gần hơn với công chúng; đồng thời, làm giảm thiểu được tình trạng tiếp cận hiện vật gốc một cách trực tiếp, nguy cơ gây hư hại hiện vật.

Đơn cử, trong công tác bảo tồn phim, trước đây, việc lưu trữ phim nhựa đòi hỏi nhiều không gian kho bãi. Một bộ phim dài 90 phút thường cần đến 9 - 10 cuộn phim, trong khi hiện nay, chỉ với một đĩa cứng, ổ cứng hay các thiết bị lưu trữ khác có thể lưu trữ hàng trăm bộ phim, tiết kiệm đáng kể về không gian và chi phí. Tương tự, việc nhân bản phim nhựa truyền thống rất tốn kém, kỳ công nhưng ngược lại nhân bản số hoá lại rất nhanh gọn, tiện lợi.

Chưa kể, việc khai thác, phổ biến các tư liệu cũng trở nên dễ dàng hơn, với chất lượng hình ảnh được duy trì bền bỉ qua thời gian. Trong khi phim nhựa là loại hiện vật có tính hữu cơ, mềm, mỏng, dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ ẩm... dễ bị ẩm mốc, co giãn, biến dạng, loang dầu.... Vì vậy, cần bảo quản để tránh những hư hại do môi trường và điều kiện tự nhiên gây ra, tuy nhiên những cách bảo quản này cũng không phải là giải pháp lâu dài và vĩnh cửu. Do đó, việc số hóa tư liệu phim, ảnh chụp, băng từ ghi hình là giải pháp tối ưu cho công tác bảo quản, lưu trữ tư liệu.

Tại Bảo tàng Đắk Lắk nơi lưu giữ trên 10.000 phim, ảnh và trên 270 băng ghi hình, mỗi năm việc khai thác sử dụng các tài nguyên số này là rất lớn và rất cần thiết. Trong những năm gần đây, Bảo tàng Đắk Lắk đã bước đầu thực hiện việc số hóa, đối với ảnh dùng máy ảnh chụp lại để lưu file; đối với phim chụp ảnh dùng các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng như máy Scan độ phân giải cao, máy tính, phần mềm xử lý; đối với băng từ ghi hình chuyển sang file kỹ thuật số… Như vậy, tất cả tư liệu dạng phim ảnh, băng ghi hình trở về một định dạng kỹ thuật số là file jpg, tiff, bipmap, avi, mp4, mkv, wmv, vob, flc, DivX... để có thể tra cứu tư liệu trực tiếp từ máy tính.

Còn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến năm 2021, Bảo tàng đã thực hiện chuyển hình ảnh của hơn 32.000 phim gốc trong kho sang định dạng số (jpg). Để quản lý, lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị hiệu quả nhất thì cần có phần mềm phù hợp. Nhưng vì cần phải có kinh phí lớn cho phần mềm này nên hiện nay, toàn bộ dữ liệu các file số của khối phim âm bản mới chỉ được thống kê theo số lưu trữ để đưa vào các ổ lưu trữ dữ liệu và phục vụ khi có yêu cầu.

Dù đã có nhiều bước tiến, song, công tác lưu trữ, bảo quản và số hoá di sản nghe nhìn hiện nay còn gặp nhiều thách thức như kinh phí, công nghệ, nhất là đến từ việc nhiều hiện vật gốc đã cũ, hỏng, xuống cấp. Tại Viện Phim Việt Nam - trung tâm hàng đầu tại Việt Nam trong việc bảo tồn các tài liệu phim với gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại, việc số hoá chuyển phim nhựa sang định dạng kỹ thuật số 4K đã được thực hiện. Song, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, trong khi trang thiết bị, máy đọc, tu sửa, phục hồi đang dần hạn chế vì các hãng ngừng sản xuất; thiết bị chuyển đổi số còn chưa đủ đáp ứng…, nên khó bảo quản phim nguyên vẹn.

Tương tự, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cũng đang lưu trữ gần 12.000 phim nhựa và video sản xuất từ năm 1956 đến nay, trong đó nhiều phim ghi lại các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc… Tuy được bảo quản thường xuyên và bắt đầu số hóa, nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều phim đã nhiễm khuẩn, xước nặng, khó phục hồi. Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng công tác số hoá di sản nghe nhìn cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ không chỉ về công nghệ, trang thiết bị, nhân lực, mà đặc biệt cần quan tâm đến việc việc chỉnh sửa, phục hồi trước khi số hóa.

Cùng với Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực chạy đua với thời gian để giữ gìn những giá trị văn hoá của đất nước. Như tại Viện Bảo tàng Quốc gia Anh (British Museum), nơi đây không chỉ lưu giữ các di sản văn hóa, mà còn sử dụng công nghệ hiện đại để số hóa và bảo tồn các bộ sưu tập nghe nhìn. Một phần quan trọng trong chiến lược bảo tồn của họ là sử dụng AI để tự động phân tích và phục hồi các tài liệu bị hỏng. Hay như Viện Smithsonian tại Mỹ, các dự án của họ bao gồm cả việc số hóa ảnh, băng ghi âm và các video tư liệu, giúp chúng tiếp cận dễ dàng hơn với công chúng.