17% những đồng đô la giả từng đổ vào Mỹ có xuất xứ từ một điểm duy nhất là Peru. Nước này còn sản xuất hàng loạt loại tiền giả khác, qua đó khiến nó được trao danh hiệu không vinh quang gì: "Kinh đô tiền giả" của thế giới.
Các đồng tiền giả bị cảnh sát Peru thu giữ trong một đợt truy quét gần đây. |
Kỷ lục đáng buồn
Khi Joel Quispe Rodriguez bị bắt vào năm 2011 tại một quán bar ở Peru, nhiều người đã mừng thầm, nghĩ rằng từ nay hoạt động làm tiền giả đã gây tai tiếng cho đất nước sẽ chấm dứt. Rodriguez bị tống vào tù, bị buộc tội điều hành một mạng lưới tội phạm gồm nhiều thành viên trong gia đình đã buôn bán một lượng lớn tiền giả kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, chỉ trong năm sau, băng tội phạm nhà Quispe Rodriguez đã tiếp tục gây chú ý khi nhà chức trách phá tới 2 vụ làm tiền giả trị giá 7 triệu USD liên quan tới chúng. Sự kiện là minh chứng rõ ràng cho thấy không có những kẻ "cầm chịch" như Joel, hoạt động làm tiền giả vẫn diễn ra đều ở Peru. Đáng quan tâm hơn, đất nước này có nhiều tổ chức tội phạm làm tiền giả.
Theo Mật vụ Mỹ (cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ đồng USD), trong 2 năm qua, các băng tội phạm Peru đã "giúp" nước này qua mặt Colombia để trở thành nguồn sản xuất USD giả số một thế giới.
"Năm 2003, chúng tôi đã phát hiện đồng đô la giả đầu tiên được sản xuất ở Peru", phát ngôn viên Mật vụ Mỹ Brian Leary nói, "Tiền giả từ Peru sau đó cứ thế tăng dần lên và giờ 17% các đồng đô la giả ở Mỹ có gốc Peru".
Tội phạm ở Peru không chỉ cho ra lò số lượng tiền giả mang mệnh giá 20, 50, 100 USD. Chúng còn tạo ra các đồng tiền giả với chất lượng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với các điểm làm tiền giả như ở Mỹ.
Tại Mỹ, tiền giả thường được làm với quy mô nhỏ, thợ làm tiền giả có trình độ thấp. Các tay tội phạm ở đây thường sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và máy in laser để tạo ra một số lượng tiền giả hạn chế. Nhưng ở Peru, làm tiền giả diễn ra theo một dây chuyền khác hẳn.
Theo một điều tra viên nằm dưới quyền Đại tá Segundo Portocarrero, lãnh đạo đơn vị chống gian lận của cảnh sát Peru, tiền giả ở đây được sản xuất theo một quy trình mang tính "công nghiệp hóa". Trước tiên là khâu thiết kế. Tiền giả sẽ được đưa lên trình bày trên các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp như Corel Draw hoặc đơn giản hơn là Microsoft Office. Sau khi thiết kế xong, hình ảnh được xuất ra bản kẽm, đưa lên máy in offset và tiền giả sẽ được in ra hàng loạt, với chất lượng bản in rất cao. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên, dễ dàng nhất trong hoạt động làm tiền giả.
Khâu tiếp theo, đóng vai trò quan trọng nhất, là "thật hóa" đồng tiền giả. Mỗi tấm tiền in ra, thường gồm 12 đồng tiền giả trên một tấm, sẽ được cắt rời, tẩm một hóa chất bảo quản đặc biệt. Một thợ làm tiền giả sẽ nhận nhiệm vụ dùng kim xuyên một đoạn dây bảo hiểm giả bằng nhựa phát quang qua các đồng tiền giả.
Trên tờ tiền thật, giống như bóng mờ, dây bảo hiểm có thể được nhìn thấy khi đưa tờ bạc ra trước ánh sáng. Tại các tờ 10 USD và 50 USD, dây bảo hiểm nằm phía phải tờ bạc trong khi ở các loại tiền 5 USD, 20 USD và 100 USD, chi tiết này nằm phía bên trái. Không phải ai cũng được giao cho công việc đưa dây bảo hiểm vào trong đồng tiền giả. Đây là công việc đặc biệt đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận và chỉ có những đôi tay lành nghề, kiên nhẫn nhất mới thực hiện được công việc này.
Những tờ tiền giả tiếp tục được đưa qua giai đoạn gọi là "enmalladora". Tại đây chúng được cán qua lại trên hai con lăn bọc vải sợi thô để có bề mặt thô ráp như của một tờ tiền thật, chứ không trơn láng như lúc vừa in ra. Cuối cùng, thợ thủ công sẽ dùng giấy ráp mịn để làm cho đồng tiền mỏng thêm một chút, bằng với kích cỡ tiền thật. "Thường phải mất từ 4 - 5 ngày để làm ra 300 ngàn USD tiền giả", một cảnh sát kể.
Hình minh họa cho thấy tội phạm dùng kim để luồn dây bảo hiểm vào tờ 100 USD giả ra sao. |
Người dân nghèo "lãnh đủ"
Tiền giả được làm khéo rất dễ tuồn vào lưu thông ở Mỹ, nhất là tại các cửa hàng bán lẻ, nơi chủ cửa hàng thường không cảnh giác lắm với các tờ tiền mặt có mệnh giá cao. Nhưng Mỹ không phải là điểm đến duy nhất của đô la giả Peru.
Theo Portocarrero, chỉ có những đồng 100 USD là được cánh buôn tiền giả chuyển tới Mỹ. Các đồng 10 và 20 USD được gửi đến nhiều hàng xóm của Peru như Ecuador, Argentina và Venezuela, những nơi đồng USD âm thần đóng vai trò một loại tiền tệ thay thế. Mệt mỏi với việc liên tục diễn ra khủng hoảng tài chính trong nước, Ecuador thậm chí đã từ bỏ đồng nội tệ vào năm 2000 và giờ chỉ sử dụng mỗi đồng USD. Trong khi đó thị trường chợ đen bùng nổ tại Argentina và Venezuela, cả hai nước đều kiểm soát giao dịch ngoại hối trong khi có các nền kinh tế đang gặp vấn đề, đã tạo ra những điểm đến hoàn hảo cho USD giả.
Để chuyển tiền giả ra nước ngoài, tội phạm Peru sử dụng phương thức giống như những kẻ buôn bán ma túy: Giấu trong vali hai đáy, để trong hàng thủ công mỹ nghệ, sách, thực phẩm. Không ít người đã nuốt các bao cao su chứa tiền giả vào bụng để đưa "hàng" tới đích. "Tiền giả mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều cocaine", một cảnh sát nói.
Ngân hàng Trung ương Peru đánh giá khoảng 0,5% các tờ tiền lưu thông trong Peru, gồm đồng USD, là tiền giả. Tại Mỹ, con số này còn thấp hơn, chỉ nằm ở mức 0,01%. Dù tỷ lệ thấp, nhưng bất cứ ai vô tình tiêu thụ tiền giả đều sẽ chịu thiệt hại nặng, do Mỹ và Peru đã triển khai chính sách tịch thu tiền giả ngay khi phát hiện. Người tiêu thụ tiền giả cũng sẽ bị đưa vào diện điều tra. "Tội phạm có tổ chức thường kiểu này thường gây ảnh hưởng nặng nhất cho các nạn nhân có thu nhập thấp. Với họ, nhận phải một tờ tiền giả có nghĩa phải gánh thiệt hại rất lớn", một quan chức nói.
Vô cùng khó chống
Vậy vì sao Peru lại trở thành nước làm tiền giả lớn nhất thế giới? Không có bí ẩn lớn nào cả, nếu người ta biết rằng đất nước Colombia hàng xóm từng nắm danh hiệu này. "Chính quyền Colombia tăng cường chống tiền giả. Vậy là cánh tội phạm phải đóng gói đồ đạc và chuyển tới Peru", một quan chức nói. Peru hiện đã tăng cường nỗ lực chống tiền giả và họ hợp tác rất chặt với Mật vụ Mỹ. Việc những kẻ như Joel Quispe Rodriguez bị bắt là thành quả của nỗ lực hợp tác này.
Nhưng Jorge Gonzalez, một nhà kinh tế Peru chuyên về chính sách tiền tệ, đánh giá chính quyền vẫn chưa làm hết sức để chống tội phạm tiền giả. "Họ thường chỉ bắt được những con cá bé, không phải là các cá nhân đứng vị trí lãnh đạo. Họ tóm được những kẻ đưa tiền qua sân bay, nhưng không phải là kẻ ra lệnh chuyển tiền đi", ông nói.
Ngoài ra, chính quyền Peru có hình phạt chưa nghiêm khắc nhằm vào tội phạm làm tiền giả, khiến chúng càng được thể lộng hành. Ví dụ như băng làm tiền giả nổi tiếng Peru hiện có "Los Quispe" của Joel Quispe Rodriguez. Dù bị tuyên phạt 12 năm tù, nhưng nếu cải tạo tốt, tên này sẽ được phóng thích sau khoảng 4 năm.
Một băng làm tiền giả khác nằm dưới sự lãnh đạo của Wilfredo Cobo, kẻ hiện đang thụ án tù. Lần đầu bị bắt vào năm 2008, gã đã được trả tự do 2 năm sau đó, để rồi bị bắt lại vào năm ngoái. Portocarrero cho biết Cobo sử dụng nhiều đầu mối ở Italia, Tây Ban Nha và Pháp để đưa không chỉ đô la giả mà còn cả đồng Euro vào châu Âu, thông qua đường Chile và Nam Phi.
Theo Jorge Gonzalez chống tiền giả là công việc vô cùng khó khăn, khi lợi nhuận thu được quá lớn. Ông nói rằng cứ mỗi 10 đô la giả được tuồn khỏi Peru, tội phạm sẽ thu được 1 đô la tiền thật. "Vì thế nếu anh đưa cho tôi hàng triệu đô la để tuồn ra khỏi đất nước, anh có thể thấy tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền", ông nói.
Với tỷ lệ lợi nhuận lớn như thế, các tay làm tiền giả ở Peru sẽ tiếp tục hoạt động và nếu cần thiết sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài nếu môi trường ở Peru trở nên khó khăn. Khi đó, thế giới chắc chắn sẽ có "kinh đô" làm tiền giả mới.
Thảo Nguyên