Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Trung Quốc cho hay, hiện tại người dân nước này cứ ăn 10 bữa cơm thì có một bữa ăn phải dầu bẩn.
Ông Trương - một chủ lò lọc dầu mini ở Thành Đô mới tờ mờ sáng đã trở dậy mở những nắp thùng phuy, một mùi hôi thối khó chịu đặc trưng của nước thải cống rãnh bốc lên nồng nặc. Một ngày luyện dầu lại bắt đầu.
Là “hộ sản xuất nhỏ”, ông Trương không thuê nhân công vớt dầu mà cùng với vợ con ngày ngày tự đi vớt và đem về chế biến. Dụng cụ thì đơn giản tới mức không thể đơn giản hơn, một chiếc xe ba gác, mấy chiếc thùng nhựa to và quan trọng nhất là chiếc vá lớn để vớt váng dầu.
|
Rác thải hỗn độn cả rau, thịt, xương mỡ thu về từ các nhà hàng được ngâm trong bể chờ "tinh chế" thành dầu ăn. |
“Xưởng” lọc dầu của gia đình ông nằm khuất ngoài ruộng, xung quanh lau sậy mọc um tùm nên có kiểm tra cũng không dễ gì phát hiện. Không có nhiều thùng phuy, ông xây hẳn mấy chiếc bể lắng dầu cho tiện.
Bình quân mỗi ngày hai vợ chồng ông Trương gom được khoảng 5 tạ váng dầu, số váng dầu này sau khi lọc, luyện sẽ cho ra khoảng 200 kg dầu thành phẩm có thể dùng chiên, xào và chế biến các món ăn trong các nhà hàng, quán nhậu.
Lợi nhuận “lọc dầu” 300%, dại gì không làm?
Tính bình quân, một tấn “váng dầu” có giá khoảng 1000 tệ “lọc” ra được 8 tạ dầu ăn với giá thành gia công chế biến khoảng 300 tệ. Trên thị trường Trung Quốc hiện tại một tấn dầu ăn thành phẩm có giá 6000 tệ, như vậy “bèo nhất” thì các chủ lò lọc dầu này cũng kiếm được khoản lời trên 200%.
|
Tinh chế dầu bằng nhiệt (có thể quá trình này có tác dụng chắt lọc mỡ từ thức ăn để chắt ra dầu). |
Ngày 24/3 vừa qua, chương trình thời sự của đài CCTV phát đi phóng sự: “Dầu rãnh, vẫn hoạt động ngầm?” cho biết, con số lợi nhuận thực tế của “ngành công nghiệp hóa dầu” tự phát này lớn hơn 300%.
Tờ Thanh niên Trung Quốc ước tính, mỗi năm đất nước hơn 1,3 tỉ dân này tiêu thụ khoảng 2 - 3 triệu tấn “dầu cống rãnh” chứ không chỉ là dầu bẩn nữa.
Với những chủ lò “lọc dầu” mini chứ chưa kể tới giới đại gia dầu bẩn, nguồn lợi nhuận khổng lồ từ ngành “công nghiệp hóa dầu” này lại càng có sức hút không thể cưỡng lại.
Lợi nhuận kếch xù là nguyên nhân chính khiến chiến dịch truy quét dầu bẩn của các cơ quan chức năng Trung Quốc gặp không ít khó khăn. Sẽ chẳng có gì khó hiểu khi bạn là chủ một nhà hàng, quán ăn thay vì mỗi tháng phải nộp một khoản tiền nhất định – phí vệ sinh môi trường thì nay lại có người đến tận nơi xin mua, vừa có tiền lại vừa sạch quán.
(Còn nữa)
Bình Nguyên
Theo Khoa học đời sống online