Công nghiệp Hải Phòng: Tạo sức mạnh bứt phá

Sự phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua  đưa công nghiệp trở thành ngành chủ lực của kinh tế thành phố, đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng kinh tế chung, gần 50% cho ngân sách thành phố, 83-85% kim ngạch xuất khẩu và giải quyết hơn 30% việc làm cho lao động khu vực phi nông nghiệp.

Về Hải Phòng hôm nay, có thể nhận thấy rõ “chất” công nghiệp hiển hiện rõ nét trên từng cửa ô thành phố, từ Khu công nghiệp Nômura, Quán Toan, Tràng Duệ tới Khu công nghiệp Đình Vũ; từ Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Minh Đức, Bến Rừng (Thủy Nguyên) tới Khu công nghiệp Đồ Sơn, rồi Tân Liên (Vĩnh Bảo) và một loạt nhà máy lớn khác đang thể hiện rõ sức mạnh công nghiệp của Hải Phòng. Công nghiệp Hải Phòng không chỉ phát triển nhanh mà kèm theo đó là yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa.


Sự khẳng định của nhiều ngành mũi nhọn
Nói tới công nghiệp Hải Phòng  là nói tới nhiều ngành mũi nhọn đang có vị thế, thị phần đáng kể đối với cả vùng và cả nước. Đó là xi măng, sắt thép, là điện, là phân bón, xơ sợi tổng hợp, sơn, hóa chất, mỹ phẩm, là ống nhựa, bao bì, rồi da giày, dệt may… Những ngành này đều có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua và tạo dấu ấn thương hiệu khá rõ ràng trên thị trường. Khắp nơi trên cả nước giờ đây biết và tin dùng xi măng Hải Phòng, xi măng Chin phong, thép Sông Đà, Việt- Nhật, Vinausteel; SSE; Vinapipe; Vạn Lợi; phân bón DAP Đình Vũ; nhựa Tiền Phong, ắc quy Tia Sáng, bia Hải Phòng, bao bì PP, bột giặt, hóa mỹ phẩm Vico, rồi da giày Hải Phòng, Đỉnh Vàng, May Hai…

Công nhân Công ty CP May Hai sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: DL
Công nhân Công ty CP May Hai sản xuất hàng xuất khẩu.
                                                                                                                           Ảnh: DL

Nhiều ngành trong số đó chiếm thị phần đáng kể đối với cả nước như xi măng, sắt thép, ống nhựa, DAP… Sắp tới, khi Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đi vào hoạt động sẽ cung cấp phần lớn nguyên liệu cho ngành dệt may cả nước. Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất của Vinashin, những nhà máy đóng tàu lớn của Hải Phòng như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Sông Cấm… vẫn thể hiện được vị thế và vai trò của mình đối với sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy. Vượt qua được thời điểm này, Hải Phòng vẫn sẽ là một trong những trung tâm đóng tàu của cả nước. Hải Phòng cũng đã phát triển một số ngành sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao như sản xuất máy móc thiết bị điện, điện tử, dụng cụ y tế, dụng cụ chính xác, thiết bị văn phòng máy tính …
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, sự phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua  đưa công nghiệp trở thành ngành chủ lực của kinh tế thành phố, đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng kinh tế chung, gần 50% cho ngân sách thành phố, 83-85% kim ngạch xuất khẩu và giải quyết hơn 30% việc làm cho lao động khu vực phi nông nghiệp, đứng thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp, thứ hai ở khu vực phía Bắc. Đây là kết quả đáng tự hào và là sự khẳng định của nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn.

Dây chuyền sản xuất mới được đầu tư lắp đặt của Công ty CP Nhựa Thiếu niên tiền phong. Ảnh: Duy Lân
Dây chuyền sản xuất mới được đầu tư lắp đặt của Công ty CP Nhựa Thiếu niên tiền phong.                                                                                    Ảnh: Duy Lân

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 xác định phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp một cách đồng bộ; tập trung đẩy nhanh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thuỷ sản và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30% và tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%. Sản xuất công nghiệp của Hải Phòng trong vòng 5 năm tới được xác định với  mức tăng trưởng GDP công nghiệp, xây dựng bình quân đạt 13,2-13,8%/năm;  chỉ số phát triển công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 14-15%/năm. Phương thức phát triển  theo chiều rộng gắn với phát triển theo chiều sâu, phát huy các ngành công nghiệp sẵn có kết hợp với  sự tăng thêm cơ sở sản xuất công nghiệp mới, đồng thời dựa vào đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ để đạt được những yêu cầu trên. Hướng tới sự phát triển bền vững, từ năm 2011, Hải Phòng không chấp thuận đầu tư đối với những dự án sản xuất công nghiệp vào những địa điểm nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Đây chính là điều kiện để quản lý và xử lý chất thải công nghiệp (nhất là nước thải) bảo vệ môi trường. Một tư duy phát triển công nghiệp mới đã và đang được hình thành, đưa công nghiệp Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững, góp phần tích cực để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại vào năm 2015.

Hồng Thanh

Đọc thêm