Khái niệm Công nghiệp văn hóa là gì? Rất nhiều người Việt Nam lắc đầu không biết và trên thực tế, công nghiệp văn hóa của Việt Nam được ví như “con gà... suy dinh dưỡng”!
|
Một số tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam. |
“Trứng” công nghiệp văn hóa: Ít và kém chất lượng!
Các nước phát triển coi công nghiệp văn hóa là “nơi sản sinh”... tiền với độ “mắn” chỉ đứng sau ngành tài chính. Hơn nữa, đây còn là mảnh đất giàu tiềm năng cho các nhà sáng tạo, phát triển các sản phẩm trí tuệ chất lượng cao.
11 ngành được liệt vào danh sách Công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính.
Rất nhiều nước trên thế giới kiếm “lợi tức” từ 11 ngành này. Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ các ngành công nghiệp văn hóa như dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo. Ở Nhật Bản, chỉ riêng bộ phim hoạt hình Đô Rê Môn ngoài việc bán bản quyền cho truyền hình, xuất khẩu ra nước ngoài, các nhà kinh doanh Nhật Bản còn xuất bản truyện tranh, làm quà tặng lưu niệm... tổng doanh thu lên đến hơn 2 tỷ USD. Còn ở Canada, Công nghiệp văn hóa đóng góp 46 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội và thu hút 600.000 lao động chỉ riêng năm 2007.
Ví Công nghiêp văn hóa ở Việt Nam như “con gà suy dinh dưỡng” chẳng phải quá lời. Bởi “trứng” do nó “đẻ” ra đã ít lại kém chất lượng. Tiền “lãi” từ công nghiệp văn hóa ở nước ta khá kiêm tốn. Trong bảng thống kê cơ cấu tổng sản phẩm trong nước theo thực giá chia theo ngành kinh tế, các hoạt động văn hóa và thể thao chỉ chiếm 0,55% năm 1995 và năm 2008 tụt xuống còn 0,44%.
Chỉ tính riêng điện ảnh Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường, thậm chí tỷ lệ 1/10 này cũng không ổn định.
Cả nước có 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quản lý. Chỉ tính riêng 12 đơn vị này mỗi năm Nhà nước đầu tư trung bình 100 tỉ đồng, nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ chừng 10 tỉ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở làm việc, điện nước, lương bổng, chính sách... Vì thế mà mỗi đơn vị một năm chỉ dựng được 2-3 vở là cao lắm. Và doanh thu bán vé từ tất cả các đơn vị này không bao giờ qua được con số 30 tỉ đồng/năm, không bằng phần nhỏ doanh thu của một công ty tổ chức biểu diễn tư nhân.
Văn hóa sẽ giúp nâng cao vị trí, hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các buổi giới thiệu văn hóa nước ta ra quốc tế vẫn nặng về khai thác hình thức truyền thống chứ chưa thực sự đi sâu vào bản sắc để làm nổi bật giá trị toàn cầu của di sản văn hóa.
Loay hoay tìm “con gà đẻ trứng vàng”!
Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - là những lĩnh vực đã tương đối định hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, các lĩnh này vẫn còn đang loay hoay tìm vị trí của mình trên “sơ đồ” văn hóa giải trí trên thế giới.
Điện ảnh là ngành điển hình để phát triển công nghiệp văn hóa nhưng ở Việt Nam điện ảnh đang cật lực vật lộn với nhiều khó khăn để xác định vai trò chủ đạo. Với nghệ thuật biểu diễn tuy phát triển rất mạnh mẽ ở nước ta về mặt biểu diễn, giải trí song cũng đang vướng mắc về chuyện bản quyền, công nghệ biểu diễn. Mỹ thuật có tiếp cận thị trường thuộc loại sớm so với các loại hình nghệ thuật khác song cũng bộc lộ nhiều bât cập trong tiến trình phát triển...
Để tìm được “con gà đẻ trứng vàng”, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL) có ý kiến cho rằng, ngay từ bây giờ các nhà quản lý phải thay đổi tư tưởng coi sự nghiệp văn hóa là ngành nghề phi sản xuất, không thể đem lại của cải cho xã hội. Tiếp theo là phải nhìn đúng các vấn đề xuất hiện trong thị trường văn hóa. Pháp luật, cơ chế, thể chế và ý thức quần chúng đang vào thời kỳ biến đổi nhanh chóng. Trong thị trường văn hóa khó tránh khỏi xuất hiện các vấn đề phức tạp nhưng không vì thế mà phủ định thị trường văn hóa. Công nghiệp văn hóa là loại hình công nghiệp đặc thù không thể áp dụng cứng nhắc luật chơi như các lĩnh vực kinh tế khác... Tất nhiên, vẫn phải định hướng việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên cơ sở xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hội nhập phát triển song cũng không để văn hóa ngoại nhập lấn át bản sắc văn hóa Việt Nam.
Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp, vì thế nó cần một hệ thống chính sách phù hợp. Trình độ quản lý hành chính về văn hóa trực tiếp tác động vào công nghiệp văn hóa. Quản lý văn hóa đòi hỏi phải có hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất và tiêu dùng văn hóa, quản lý vĩ mô là chính, vi mô là phụ, tổng hợp cả những biện pháp về kinh tế và pháp luật, hành chính, giáo dục, dư luận và tin tức.
Hải Châu