Công nghiệp Việt Nam hướng đến công nghệ sạch

Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện thô sơ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Cùng với đó là việc phát thải ô nhiễm lớn về mặt môi trường.

Phát biểu tại hội thảo “Công nghệ sạch vì môi trường và phát triển bền vững” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức ngày 13-12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, cho biết: Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện thô sơ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Cùng với đó là việc phát thải ô nhiễm lớn về mặt môi trường. Muốn công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh trong tương lai, việc đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ sạch, là điều chắc chắn phải làm.

 

Công nhân trong dây chuyền sản xuất sơn tàu biển

Ảnh: Duy Lân

Công nghệ sạch, nhìn từ Phần Lan

 

Ông Jari Hietala, Phó chủ tịch Tổ chức Finpro tại châu Á cho biết: Công nghệ sạch là tất cả sản phẩm dịch vụ và công nghệ ngăn cản hoặc giảm thiểu tác động của các hoạt động gây hại tới môi trường. Công nghệ sạch của Phần Lan Cleatech Finland tập hợp các công ty và nhà xuất khẩu công nghệ sạch bảo đảm công nghệ và dịch vụ có lợi thế cũng như tập quán kinh doanh tin cậy và hiệu quả. Các giải pháp công nghệ của các công ty này đều được phát triển từ kinh nghiệm lâu đời trong các điều kiện tự nhiên đầy thách thức và nhận thức đầy đủ về nhu cầu của khách hàng. Hiện có thể Phần Lan không phải là nước lớn nhất về phát triển thị trường,  nhưng các công ty công nghệ sạch của Phần Lan luôn đi tiên phong trong một số lĩnh vực công nghệ sạch chủ chốt như năng lượng sinh học, quy trình công nghiệp sạch và các giải pháp hiệu qủa năng lượng.

 

Từ cuối thập niên 80, các công ty Phần Lan phát triển giải pháp xây dựng có mức tiêu thụ năng lượng thấp và hiệu quả sinh thái. Các dự án được triển khai cho thấy, cách thức xây dựng ít tiêu hao năng lượng bằng cách sử dụng những hình mẫu và hệ thống đơn giản hóa. Những tòa nhà xanh thân thiện với môi trường và hiệu quả có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng khoảng 60%-80%. Công nghệ xây dựng xanh đồng thời cũng mang ý nghĩa đầu tư hợp lý. Mặc dù chi phí xây dựng ban đầu cao hơn  2% - 5% so với xây nhà thông thường, nhưng các chi phí này sẽ được bù đắp từ tiết kiệm năng lượng trong vòng 5 - 15 năm sau.

 

Theo Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Pekka Hyvonen, ý tưởng của Phần Lan là xây dựng một thành phố sinh thái số hóa  được thực hiện tại Trung Quốc ở hai tỉnh Quảng Châu và Quảng Đông, quy mô 100.000 dân với các dịch vụ cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp. Thành phố sinh thái số hóa khác cũng đang ở trong giai đoạn quy hoạch ban đầu ở gần Bắc Kinh. Thông qua các cách thức kết hợp không gian sống, làm việc và nghỉ ngơi dựa trên sự hài hòa giữa con người về thiên nhiên, thành phố sinh thái sẽ cho thấy các vấn đề về môi trường và thách thức của quá trình đô thị hóa có thể giải quyết nhờ sự giúp đỡ của công nghệ hiện đại.

 

Đổi mới công nghệ, con đường tất yếu

 

Công nghiệp Việt Nam hiện đóng góp trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Công nghiệp tạo ra cân đối mới trong cơ cấu thành phần, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp ngoài quốc doanh. Công nghiệp tạo dựng nhiều ngành, sản phẩm với công nghệ mới mà trước đây chưa từng có như: công nghiệp ô tô, xe máy, sản phẩm điện tử, phân bón, hóa dầu. Tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ gia công, lắp ráp, đặc trưng bởi giá trị gia tăng thấp và trình độ công nghệ lạc hậu. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Trong giai đoạn này, tác động của năng suất và công nghiệp chưa rõ nét, chưa trở thành một nhân tố quan trọng trong tăng trưởng.

 

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Viện Chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), trong giai đoạn hiện nay, công nghiệp có mức tiêu hao năng lượng và nguyên liệu trên đơn vị sản phẩm là rất cao. Mức tiêu hao nguyên liệu và năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của Việt Nam cao từ 1,2 - 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Tương tự, cường độ năng lượng hay tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh cùng với quá trình công nghiệp hóa. Hiện cường độ năng lượng Việt Nam gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 2 lần mức bình quân thế giới. Đa số ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay có cường độ năng lượng cao. Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu năng lượng cả nước khoảng 64 triệu TOE (đơn vị tính năng lượng quy đổi tương đương với 1 tấn dầu).

 

Hiện  tốc độ đổi mới công nghệ ở Việt Nam vào khoảng 10 - 11%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này còn cao hơn so với thực tế.

 

Số liệu điều tra do Bộ kế hoạch  Đầu tư và Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) tiến hành gần đây cho thấy, mức đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ chiếm 0,2% - 0,3% doanh thu hàng năm trong khi con số này ở Ấn Độ 5%, Hàn Quốc  10%; tỷ lệ nhập khẩu công nghệ, thiết bị mỗi năm của các nước đang phát triển chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này dưới 10%.

 

Cũng theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, với sự tăng trưởng trong những năm qua, thu nhập bình quân người lao động tăng lên đáng kể (thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay tăng 5 lần so với năm 1990). Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, chắc chắn những phần việc thô sơ hưởng lợi ích thấp sẽ không đủ chi phí cho người lao động Việt Nam trong tương lai. Do đó, chắc chắn  có một cuộc chuyển dịch các cơ sở sản xuất phổ thông sang những nơi có mức nhân công rẻ hơn. Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đặt ra mục tiêu hướng đến giá trị gia tăng cao hơn như công nghiệp phụ trợ, phấn đấu giành vị thế xứng đáng trong chuỗi phân công trên một số lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh. Do đó, để phát triển trong giai đoạn tới, Việt Nam   phải có một cuộc cách mạng về chuyển biến cơ cấu công nghiệp dẫn đến một cuộc đổi mới công nghệ. Để tăng cường khả năng cạnh tranh, công nghiệp Việt Nam cần hướng đến đổi mới công nghệ qua đó tăng cường năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng.

 

Đỗ Thảo Nguyên

Đọc thêm