Công nhân dè sẻn chi tiêu

Tìm được một việc làm đã khó, nhưng để bảo đảm cuộc sống lại càng khó hơn. Đó là tình cảnh chung của công nhân khi mà từ hàng hóa, giá phòng trọ, tiền ăn, tiền xăng đều tăng nhưng tiền lương, tiền công lại “giẫm chân tại chỗ”.

Tìm được một việc làm đã khó, nhưng để bảo đảm cuộc sống lại càng khó hơn. Đó là tình cảnh chung của công nhân khi mà từ hàng hóa, giá phòng trọ, tiền ăn, tiền xăng đều tăng nhưng tiền lương, tiền công lại “giẫm chân tại chỗ”.

Giá cả hàng hóa tăng khiến nhiều người phải cân nhắc trong chi tiêu.

Với thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn 800 - 900 nghìn đồng, tiền nhà trọ 300 nghìn đồng, tiền điện nước 100 nghìn đồng, còn các khoản chi tiêu khác như đồ dùng, quần áo..., dù tằn tiện, nhiều công nhân cũng rất khó gói ghém. Đó là chưa kể đến lúc ốm đau không biết xoay đâu ra tiền.  

Từ sau Tết đến nay, nhiều công nhân ở trọ gần KCN Hòa Khánh lao đao vì chủ nhà trọ đã tăng giá đến 2 lần, tiền điện lên 3.500 – 4.000 đồng/kWh, nước tăng lên 15 nghìn đồng/m3. Nhiều người chịu không nổi đã khăn gói ra đi kiếm chỗ trọ khác xa hơn, chật hẹp hơn. Chị Nguyễn Thị Phương, công nhân của một công ty ở KCN Hòa Khánh, cho biết: “Lương tháng và tiền tăng ca được gần 2 triệu đồng. Tiền nhà, điện, nước, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt hằng tháng cũng hơn 1,5 triệu đồng, còn phải gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.

Bây giờ tiền nhà trọ lại tăng lên, không biết phải tính toán chi tiêu sao cho đủ”. Chị Nguyễn Thị Xíu, công nhân Công ty Mabuchi ở KCN Hòa Khánh, cho biết: “Lúc trước một tháng chỉ hết 500 - 600 nghìn đồng tiền chợ, nay giá lên thì phải từ 800 - 900 nghìn đồng. Vậy mà cũng không đủ, mỗi lần đi chợ là phải suy tính mua gì, ăn gì trong mấy ngày”. “Do giá cả tăng cao quá, công nhân phải đến những chợ “chồm hổm” để mua thực phẩm cho rẻ, chỉ chọn mua những món hàng giá thấp nhất. Ăn uống qua loa nên công nhân hầu hết là ốm yếu” - chị Nguyễn Thị Mai làm việc tại Công ty Sản xuất đồ chơi của Đài Loan tâm sự.

Cuộc sống chật vật, công nhân phải “gồng mình” tăng ca để có thêm chút tiền chợ và đương nhiên, các nhu cầu vui chơi, giải trí, đi đây đó trong những ngày nghỉ đối với họ là xa vời. Anh Lộc, do nhà ở xa nơi làm việc nên chỉ tính đổ xăng đi về cũng tiêu gần phân nửa số lương. Trong khi lương tháng chỉ có 1,4 triệu đồng, tăng ca trầy trật cũng chỉ đạt 1,8 triệu đồng.

Anh cho biết: “Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, mà tiền lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả thị trường nên chúng tôi không còn cách nào khác là phải thắt lưng buộc bụng”. Còn chị Nguyễn Thị Chanh, công nhân may, tâm sự: “Do cuộc sống khó khăn, tình cảm bạn bè cũng bị tác động. Chúng tôi ít có dịp thăm hỏi, nấu ăn chung với nhau vào ngày chủ nhật như trước. Mỗi khi nhận được thiệp mời dự đám cưới cũng lo”.

Khi giá cả các mặt hàng ngày một đắt đỏ, cuộc sống của công nhân vốn đã khó, nay càng  khó hơn.

Bài và ảnh: Kim Oanh

Đọc thêm