Nhọc nhằn mưu sinh
Bình Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ công nhân mất việc nhiều nhất hiện nay. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Bình Dương, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 28.000 lao động bị thôi việc, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.
Thời điểm Tết gần kề, nhiều công nhân Bình Dương nhận được những thông tin không mấy khả quan về tình hình công việc của mình. Chị Lê Thị Thảo, 26 tuổi, quê ở Thanh Hóa, đang làm việc tại một công ty sản xuất thực phẩm ở KCN Mỹ Phước 2 cho biết, trước đó, công ty chị đã cắt giảm nhân viên, từ tháng 10 đến nay thì giảm giờ làm. Mới đây, chị lại nghe tin công ty sẽ cho công nhân nghỉ dài hạn sau đợt nghỉ Tết Tây.
Chị Thảo lo lắng: “Năm ngoái đợt dịch tôi nghỉ làm suốt nửa năm về quê sống, phải mượn tiền của người bà con để trang trải. Từ đầu năm, tôi đã vào làm việc tại công ty, nghĩ mình sẽ nỗ lực tăng ca, tiết kiệm, thậm chí Tết này sẽ xung phong làm xuyên Tết để kiếm tiền trả nợ. Thế mà bây giờ nghe thông tin này, tôi lo lắng quá, không biết mình sẽ phải làm sao”.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, thành phố hiện có khoảng 4,7 triệu lao động hoạt động tại các KCN-KCX và KCNC trên địa bàn. Hiện, có không ít doanh nghiệp đang sa thải hàng ngàn lao động vì khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê Nghệ An, nhân viên Công ty T. H. chuyên sản xuất giày da xuất khẩu ở quận Bình Tân cho biết, anh đã nhận quyết định nghỉ việc trong đợt cắt giảm nhân sự mới nhất và cũng lớn nhất của công ty. Anh nói: “Những năm trước công ty làm ăn rất khá. Nhưng từ đợt dịch đã khó khăn, rồi sau Tết đến giờ đơn hàng xuất khẩu rất ít ỏi, công ty phải thu hẹp sản xuất và giờ cũng không trụ được, phải tiếp tục giảm người. Tôi 47 tuổi nên thuộc diện cắt giảm do trên 45. Lo và buồn lắm, vì tuổi này rồi đi xin việc rất khó khăn. Hiện công ty của vợ tôi ở Khu công nghiệp Tân Bình chưa sa thải nhưng đã giảm giờ làm còn 50% so với trước. Có lẽ Tết này vợ chồng con cái không về quê, vợ đi phục vụ quán ăn thêm còn chồng chạy xe ôm công nghệ may ra mới trang trải được Tết”.
Nỗi lo cũng ập đến với những công nhân hiện vẫn đang “an toàn” làm việc tại các công ty. Chị Nguyễn Thị Thu, quê Bình Thuận, nhân viên Công ty P. thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương chia sẻ, dù công ty của chị hiện vẫn đang có đơn hàng, mọi việc không thay đổi nhưng trước tình hình chung chị vẫn rất hoang mang, nhất là hai vợ chồng đều là công nhân. Chị Thu cho biết, vợ chồng chị đang bàn kế hoạch kinh doanh thực phẩm online thêm để kiếm sống và dự trù trường hợp bất ngờ mất việc.
Chung tay “gỡ khó” cho người lao động
Trải qua đợt bùng phát dịch bệnh, giãn cách xã hội năm 2021, nhiều người lao động đã tiêu hết số tiền tích lũy. Biến cố mất việc càng khiến đời sống họ khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện, nhiều người lao động đang cuống cuồng tìm việc để có thể tiếp tục duy trì cuộc sống. Nhiều công nhân lựa chọn làm giao hàng, tài xế xe công nghệ, giúp việc bán thời gian hoặc toàn thời gian, phụ việc tại quán ăn... Tuy nhiên, với lượng công nhân bị sa thải lên đến hàng ngàn, việc tìm kiếm công việc mới cũng không dễ dàng, nhất là không ít người đã lớn tuổi.
Mối lo hiện nay của người lao động mất việc là làm cách nào nhanh chóng tìm được việc làm, ổn định được đời sống. Đồng thời, nhiều công nhân cũng mong muốn công ty nhanh chóng hoàn tất thủ tục BHXH để họ có thể sớm nhận trợ cấp thất nghiệp, tạm trang trải trong thời gian cuối năm.
Đối với tỉnh Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH cho biết đang đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động. Các đơn vị thuộc sở cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng; đồng thời tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Sở LĐ-TB&XH TP HCM và các đơn vị liên quan cũng đang tiến hành khảo sát nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các KCX -KCN với quy mô khoảng 3.000 doanh nghiệp để có phương án chủ động xử lý, hỗ trợ công ty và người lao động gặp khó khăn. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ tham gia phối hợp với các công ty đang cắt giảm lao động để đưa ra kế hoạch tìm việc cho người lao động dịp Tết, hỗ trợ phần nào vé xe, quà Tết cho các công nhân mất việc trong thời điểm gần kề.
Công nhân mất việc, đó không chỉ là lo lắng của riêng họ, mà còn là mối lo của toàn xã hội. Để giúp công nhân tháo gỡ những khó khăn trước mắt, không chỉ cần đến sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, mà còn cần đến những cánh tay của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức lẫn cá nhân.