Công nhân nhảy việc

Năm 2009, toàn thành phố Đà Nẵng có hơn 42.000 công nhân làm việc tại các KCN, trong đó có 27.000 công nhân ngoại tỉnh, phần lớn thuộc các tỉnh lân cận từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Số công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc sau Tết chỉ đạt khoảng 60-70%.

Năm 2009, toàn thành phố Đà Nẵng có hơn 42.000 công nhân làm việc tại các KCN, trong đó có 27.000 công nhân ngoại tỉnh, phần lớn thuộc các tỉnh lân cận từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Số công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc sau Tết chỉ đạt khoảng 60-70%.

Rất nhiều công nhân sau nghỉ Tết, mặc dù đã quay lại Đà Nẵng nhưng lại đi tìm việc mới chứ không trở lại DN cũ... Vì vậy, công tác nhân lực của DN gặp rất nhiều khó khăn. Tại các KCN, những tấm biển “tuyển lao động” được giăng lên rất nhiều. Và chính vì DN rất cần lao động nên dẫn đến chuyện lao động... bỏ DN này tìm đến DN khác với hy vọng có thu nhập cao hơn. Nguồn tin từ Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho hay: Tại Đà Nẵng, các DN cần tuyển 30.000 lao động mới, còn Quảng Nam cần tuyển hơn 1.000 lao động. Thống kê sơ bộ, tại Đà Nẵng có ít nhất 5 DN bị đình trệ sản xuất vì thiếu lao động mà chủ yếu là DN FDI hoạt động trong các lĩnh vực XNK, sản xuất hàng may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử.

Vậy nguyên nhân nào người lao động không mặn mà với DN? Trước hết đó là vấn đề tiền lương. Thực tế, lương làm việc ban đầu của các DN tại Đà Nẵng quá thấp so với các DN phía Nam. Một công nhân đang làm việc tại Đà Nẵng nói: “Em đang làm công nhân ở Biên Hòa (Đồng Nai), lương tháng trên 2,1 triệu đồng. Nay em không muốn đi làm xa nên tìm việc làm ở Đà Nẵng cho gần nhà. Thế nhưng không có DN nào ở Đà Nẵng trả lương công nhân phổ thông lên tới 1,7 triệu đồng/tháng”. Người công nhân này tính toán, nếu lương 1,5 triệu đồng/tháng, công nhân phải chi 200.000 đồng tiền trọ và 700.000 đồng tiền ăn, và các khoản khác khoảng 300.000 đồng. Một tháng thắt lưng buột bụng, may ra chỉ dư khoảng 300.000 đồng thì khó có công nhân nào làm việc lâu dài được.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: Theo phản ánh của công nhân, việc một số DN có biểu hiện chèn ép công nhân trước Tết vì tăng ca, giảm phụ cấp, nhập nhằng tiền thưởng đã khiến công nhân bỏ việc để tìm việc mới sau Tết. Riêng tiền thưởng Tết cho công nhân tại Đà Nẵng mang tiếng là xếp thứ 5 cả nước nhưng lại chênh lệch quá lớn. Cụ thể, mức thưởng cao nhất lên tới 148 triệu đồng, song thấp nhất chỉ vỏn vẹn… 71.000 đồng.

Với mức thưởng Tết chênh nhau từ 390 đến 2.100 lần như hiện nay, việc người lao động “nhảy việc” là điều tất yếu và tình trạngthiếu lao động ở các DN chắc chắn còn tiếp diễn. Bởi lẽ, sẽ chẳng có ai lại muốn làm việc ở một DN mà khoản tiền thưởng Tết chỉ vẻn vẹn… 71.000 đồng, không đủ để mua nửa chiếc vé xe khách về quê, chứ chưa nói đủ mua được cặp gà, dăm cân gạo nếp về góp Tết với gia đình. Bởi sau một năm lao động quần quật, đến dịp Tết, họ không sắm nổi tấm áo biếu người già, đồng quà cho con trẻ. Phải chăng mà vì thế, cứ mỗi dạo ra giêng, hàng trăm DN tại các khu công nghiệp - chế xuất lại “đỏ mắt” tìm công nhân, tuyển lao động.

Một nguyên nhân khác đó là vấn đề nhà ở. Phần lớn công nhân, lao động ở Đà Nẵng phải tự tìm kiếm chỗ ở trọ với không gian chật hẹp, tạm bợ. Được biết hiện thành phố đã chọn 9 địa điểm xây dựng nhà ở công nhân cho các DN với diện tích 23,9ha đất đã phê duyệt tổng mặt bằng và tiến hành giao đất cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, UBND thành phố còn bố trí 15,5ha khác cũng để xây nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, điều đáng buồn là chưa có tiến triển nào trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Hiện nay để thu hút lao động, cải thiện hình ảnh DN qua cái Tết vừa qua, một số DN đã đưa ra nhiều ưu đãi. Ví dụ Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đưa ra hàng loạt ưu đãi như: tăng 300.000 đồng lương tháng học việc (từ 1,2 lên 1,5 triệu đồng/người), hỗ trợ thêm tiền ở, miễn phí cơm giữa ca... Công ty Mabuchi Motor áp dụng chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà và tiền đi lại, thưởng chuyên cần, hỗ trợ 1 suất ăn/ngày, mỗi tháng ngoài các ngày nghỉ chủ nhật, công nhân còn có thể được nghỉ thêm 1 ngày điều chỉnh sản xuất, được hưởng tiền mừng năm mới…

Từ những nguyên nhân trên cho thấy khó có thể đổ lỗi hết cho DN, song nếu vẫn cứ đãi ngộ theo kiểu “cho vui”, DN sẽ khó phát triển ổn định vì không thể giữ chân được người lao động. Mấu chốt ở đây là vấn đề văn hóa DN cần được coi trọng. DN không thể coi lao động giá rẻ là tạo thêm lợi nhuận, phớt lờ những nhu cầu về chỗ ở, giải trí… chính đáng của họ thì việc thiếu lao động làm việc trong các DN tất yếu sẽ xảy ra. Thiếu lao động sau Tết thực chất là do công nhân nhảy việc chứ không thiếu việc. Thực trạng này gây xáo trộn nguồn nhân lực trong các DN khi mà cả chủ DN và người lao động chưa đồng hành trên cùng một chuyến tàu.

TRIỆU VĂN TÙNG

Đọc thêm