Công tác PBGDPL góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân

UBND TP Cần Thơ vừa tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ 2008 đến 2012.

UBND TP Cần Thơ vừa tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ 2008 đến 2012.

Ông Nguyễn Thành Đông - Giám đốc Sở Tư pháp TP.Cần Thơ (giữa) trao giải cho tập thể, cá nhân đạt giải xuất sắc trong cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: thời gian qua, công tác ban hành văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện được UBND TP và cơ quan chủ trì thực hiện đề án quán triệt nghiêm túc. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tích cực trong việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức như: tập huấn, tổ chức diễn đàn pháp luật; văn hóa, văn nghệ; gặp gỡ đối thoại trực tiếp; thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật; xây dựng các điểm sáng về chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư…

Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được củng cố, huy động sức mạnh của các lực lượng trong xã hội cùng tham gia. Các nội dung pháp luật được phổ biến đến từng nhóm đối tượng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có nhiều mô hình mới phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, đã nâng cao kiến thức pháp luật cho mọi đối tượng, đồng thời nâng cao kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác này và đặc biệt là nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP.

Theo UBND TP, hiện 100% đơn vị xã, phường, thị trấn đã thành lập hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai. Tổ hòa giải cơ sở cũng được thành lập đều khắp các ấp, khu vực, mở rộng đến các khu chợ, chùa... với tổng số 713 tổ, 3.952 thành viên.

Các loại hình câu lạc bộ được quan tâm thành lập và hoạt động, hiện có 209 câu lạc bộ với 1.663 thành viên gồm (câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...) đã góp phần tích cực trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân ở cơ sở.

Đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Các hoạt động xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm thực hiện, như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, lý luận chính trị và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ quản lý và giáo viên dạy môn giáo dục công dân…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết: ngoài việc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2013, Sở Tư pháp TP sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Hiến pháp.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Sở cũng sẽ thực hiện có hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; củng cố, nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; tập trung giới thiệu một số văn bản pháp luật quan trọng, thiết thực với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân…

Hà Vy

Đọc thêm