Nhiều sáng kiến trong công tác phối hợp
Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh Sơn La, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xác minh và tổ chức thi hành án đối với các đối tượng phải thi hành án là người có quốc tịch Lào và ngược lại, các cơ quan THADS ở các địa phương đã có nhiều sáng kiến trong việc đổi mới phương thức phối hợp.
Đơn cử như phối hợp với các cơ quan ngoại vụ, Bộ đội Biên phòng của các tỉnh trong việc đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật về thi hành án cho nhân dân khu vực biên giới và trong việc xác minh, báo gọi người có nghĩa vụ phải thi hành án là công dân của Việt Nam đang sinh sống và làm ăn trên đất Lào và ngược lại trở về nước để thực hiện nghĩa vụ THADS (như các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Trị). Trong nhiều trường hợp, người dân mang quốc tịch Lào sinh sống tại các tỉnh giáp biên giới đã trực tiếp liên hệ với các cơ quan THADS của Việt Nam để nhận lại tài sản, giấy tờ hoặc nộp thay nghĩa vụ phải THADS theo ủy quyền của người thân đang phải thi hành án phạt tù tại Việt Nam.
Theo báo cáo của 4/10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới là Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, hiện tại, các cơ quan THADS của các tỉnh đang tổ chức thi hành 53 vụ việc thi hành án (chủ yếu là án hình sự), tương ứng với số tiền phải thi hành là 373.316.400 đồng có yếu tố nước ngoài, đối tượng phải thi hành án là người mang quốc tịch Lào. Trong đó, 14 vụ việc tương ứng với số tiền 82.632.500 đồng, người phải thi hành án đã chấp hành xong án phạt tù và được trả về nơi cư trú (nước CHDCND Lào); đã tổ chức thi hành xong 08 việc, tương ứng với số tiền 47.908.000đ.
Cục THADS Sơn La đánh giá, các việc thi hành án đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về THADS. Sau khi ra quyết định thi hành án, chấp hành viên, công chức được giao nhiệm vụ tổ chức thông báo và xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, chủ yếu thông qua trại tạm giam và các trại giam thuộc Bộ Công an.
Trường hợp các đối tượng phải thi hành án có tiền lưu ký tại trại tự nguyện nộp thì công chức của cơ quan thi hành án tiến hành thu trực tiếp và sau đó làm xác nhận kết quả thi hành án và gửi về trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù để phục vụ cho công tác xét đặc xá cũng như miễn giảm hình phạt tù.
Đối với các khoản tịch thu sung công quỹ nhà nước đều được thực hiện theo đúng trình tự và qui định của pháp luật. Đối với tài sản trả lại (tiền, các loại giấy tờ, tài sản là các vật dụng như điện thoại, đồng hồ…) mà đương sự là người nước ngoài đang chấp hành hình phạt tù, các cơ quan THADS đều chủ động phối hợp với các trại giam và cử Chấp hành viên, công chức trong đơn vị tiến hành trả lại tiền, tài sản cho các đối tượng tại trại tạm giam và các trại giam thuộc Bộ Công an. Đối với các đối tượng đã thi hành xong án phạt tù được trả về nơi cư trú (Lào), các cơ quan THADS đều phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp để thực hiện theo quy trình tương trợ tư pháp.
Cũng theo đánh giá của Cục THADS Sơn La: “Công tác tổ chức THADS có yếu tố nước ngoài liên quan đến người mang quốc tịch Lào của các cơ quan THADS các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào đã có nhiều cố gắng song mới đạt được hiệu quả bước đầu”.
Khó khăn trong xác minh tài sản
Qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan THADS của Việt Nam có chung đường biên giới Việt - Lào, quá trình tổ chức THADS có yếu tố nước ngoài còn nhiều khó khăn: Phần lớn các đối tượng là người mang quốc tịch Lào phạm tội bị truy tố, xét xử và thi hành án trên lãnh thổ Việt Nam đều không có tài sản ở Việt Nam. Trong khi đó, các cơ quan THADS không thể xác minh điều kiện kinh tế của người phải THADS ở nước ngoài, cơ quan THADS chỉ tiến hành xác minh được các đối tượng này tại các trại tạm giam, trại giam, hầu hết trường hợp này đều không có tài sản lưu ký tại trại giam nơi đang thụ hình.
Do đó, khả năng thi hành án về mặt dân sự là rất khó, thậm chí không có khả năng thi hành. Đây là khó khăn mà cơ quan THADS đang gặp phải, nhiều vụ việc kéo dài mà không thể ra quyết định hoãn thi hành án được và cũng không thực hiện xét miễn, giảm thi hành án, dẫn đến việc thi hành án tồn đọng.
Mặc dù đã có quy định tương trợ tư pháp về dân sự trong THADS phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp, tuy nhiên, về ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp phải kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ của nước yêu cầu tương trợ tư pháp. Đây là vướng mắc đối với Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp, tài liệu đó thuê tổ chức, cá nhân nào dịch ra ngôn ngữ nước ngoài, tính pháp lý của bản dịch ra sao, kinh phí cho công tác dịch hồ sơ ủy thác và trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp về THADS hiện nay cũng chưa được tập huấn và hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thi hành án đối với đương sự là người nước ngoài còn nhiều hạn chế, chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng, một số trường hợp người nước ngoài được trả lại tiền, tài sản nhưng qua công tác xác minh cho thấy họ đã chấp hành xong hình phạt tù và trở về nước, cơ quan THADS đang thụ lý giải quyết vụ việc không được thông báo. Do vậy, việc tổ chức thi hành án đối với trường hợp này là rất khó khăn.
Một trong những kiến nghị, theo Cục THADS Sơn La, Bộ Tư pháp hai nước xem xét thiết lập cơ chế và trách nhiệm, cho phép các cơ quan THADS địa phương có chung đường biên giới được trao đổi thông tin bằng văn bản đã được dịch thuật, ủy thác việc tống đạt các văn bản, giấy tờ về thi hành án cho các đối tượng có nghĩa vụ phải thi hành án hoặc gia đình, người thân của những người phải thi hành án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức THADS cũng như phục vụ cho công tác đặc xá, xét miễn giảm hình phạt tù cho những người đang thi hành án phạt tù ở Việt Nam hoặc ở Lào theo quy định của pháp luật mỗi nước.