|
Cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Bình Minh (Nam Trực) thực hiện công tác công chứng cho nhân dân. |
Những năm qua, công tác tư pháp, hộ tịch của xã Bình Minh (Nam Trực) có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao ý thức “Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật” của người dân.
Với số dân gần 12 nghìn người, địa bàn rộng, Đảng uỷ, UBND xã luôn xác định phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nhân dân hiểu và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, UBND xã chỉ đạo Ban Tư pháp xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sát với thực tế của địa phương. Việc triển khai, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được lồng ghép ở các hội nghị của các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn, xóm và được tổ chức tuyên truyền 2 buổi/ngày trên đài truyền thanh xã. Bên cạnh đó, Ban Tư pháp xã thường xuyên phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an huyện, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh mở hội nghị, tổ chức ra quân tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân. Năm 2010, xã tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Khiếu nại, tố cáo... cho 120 cán bộ cơ sở; tổ chức chiến dịch tuyên truyền phòng chống ma tuý tại các địa điểm trung tâm xã thu hút hàng trăm lượt người nghe. Bên cạnh đó, xã đã tổ chức 2 đợt trợ giúp pháp lý cho gần 500 lượt đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, hướng dẫn các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, gia đình không có người vi phạm pháp luật, thực hiện các quy ước, hương ước của thôn, làng. UBND xã trích kinh phí mua các đầu sách pháp luật mới bổ sung vào tủ sách pháp luật, đã tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong thực thi công việc chuyên môn của cán bộ và nhân dân trong xã. Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Tư pháp xã luôn coi trọng công tác chứng thực, đăng ký và quản lý hộ tịch. Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 79/NĐ-CP (1-7-2007) về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, UBND xã đã bố trí cán bộ tư pháp làm công tác tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận “một cửa” phục vụ kịp thời yêu cầu của nhân dân, bảo đảm 100% vụ, việc chứng thực đều đúng pháp luật. Công tác quản lý hộ tịch được thực hiện có nền nếp. Cán bộ tư pháp hộ tịch phối hợp chặt chẽ với cán bộ dân số, y tế, đài truyền thanh xã rà soát, tuyên truyền, vận động các gia đình có trẻ mới sinh đăng ký khai sinh cho con đúng thời hạn. Các trường hợp đăng ký kết hôn đều bảo đảm đúng thủ tục pháp luật. Để tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở, đội ngũ cán bộ hoà giải từ xã tới các thôn, xóm thường xuyên được kiện toàn. Hiện nay, xã có 1 Ban hoà giải và 17 tổ hoà giải với 144 thành viên. Đội ngũ hoà giải viên thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng hoà giải do Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện tổ chức. Hàng tháng, Ban Tư pháp và các tổ hoà giải đều duy trì giao ban nghiệp vụ để trao đổi kinh nghiệm, đánh giá kết quả hàng tháng, để nắm bắt cụ thể tình hình an ninh xã hội từng địa bàn dân cư. Năm 2010, Ban hoà giải xã đã tiếp nhận 20 vụ, việc mâu thuẫn về đất đai, hôn nhân gia đình và đã hoà giải thành công 18 vụ, việc. Các tổ hoà giải ở cơ sở đã hoà giải thành công hàng trăm mâu thuẫn nhỏ ở cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, củng cố tình đoàn kết trong nhân dân, góp phần củng cố an ninh trật tự ở địa phương.
Công tác tư pháp, hộ tịch ở Bình Minh đã thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội của xã phát triển./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng