Mức trợ cấp còn thấp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, mặc dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đời sống NCT, NKT còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội (TCXH) đối với NCT, NKT còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.
Số lượng NCT, NKT được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp NCT, NKT còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho NKT, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý.
Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH thẳng thắn chỉ ra rằng, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật trợ giúp xã hội đối với NCT, NKT còn hạn chế là do một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với NCT, thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, còn coi công tác NCT chỉ là những hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách luật pháp chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở một số địa phương miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xuống 75 tuổi
Tại Phiên họp, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đặng Thuần Phong và Bùi Sỹ Lợi cho biết, nhiều cử tri đề nghị hạ thấp độ tuổi hưởng TCXH xuống 75 tuổi và tăng mức trợ cấp, bởi hiện tại mức trợ cấp 270.000 đồng/người/tháng quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng.
Đồng tình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua Bộ LĐTB&XH cũng nhận được nhiều ý kiến về mức chuẩn TCXH. “Trong thời gian tới sẽ điều chỉnh vấn đề điều chỉnh mức TCXH để cuối năm nay trình Chính phủ nâng lên mức mới”, Bộ trưởng Dung khẳng định.
Đối với đề xuất hạ độ tuổi hưởng TCXH xuống 75 tuổi, ông Đào Ngọc Dung cho biết, trước đây chúng ta quy định NCT từ 90 tuổi trở lên được hưởng TCXH, sau đó quy định giảm xuống còn 85 tuổi.
Hiện nay, độ tuổi hưởng TCXH được quy định cụ thể tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT. Theo đó, độ tuổi NCT được hưởng TCXH đã giảm xuống còn 80 tuổi. Bộ trưởng Dung cho rằng, nếu điều chỉnh hạ độ tuổi hưởng TCXH thì phải sửa luật.
Làm rõ thêm vấn đề trợ cấp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: “Dù ngân sách khó khăn nhưng những năm qua Chính phủ đã cố gắng nâng mức hỗ trợ này. Hiện nay mức hỗ trợ là 270.000 đồng và có khuyến khích các địa phương trong phạm vi ngân sách được phép quyết định cao hơn”.
Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi TP HCM cho biết, thực tế NKT không trông chờ vào TCXH mà họ trông chờ vào chính sách nhà nước tạo điều kiện để tự vươn lên, sống bằng chính sức lao động của mình.
Bởi vậy, việc Nhà nước trợ cấp 270.000 đồng/tháng/người hay nhiều hơn cũng không thấm gì so với mức sống tối thiểu của mỗi NKT. Do đó, bà đề nghị Nhà nước nghiên cứu xây dựng chính sách, thay vì TCXH thì trợ cấp dạy nghề cho NKT. Bà Khánh cũng đề nghị, Chính phủ cần sửa Luật NKT và Luật Lao động để doanh nghiệp buộc phải nhận NKT tham gia sản xuất, kinh doanh.
“Chúng tôi kiến nghị thay vì quy định doanh nghiệp sử dụng 30% người khuyết tật trở lên được miễn đóng thuế thì quy định, tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm, nghĩa vụ sử dụng lao động là NKT.
Tùy theo quy mô của doanh nghiệp mà nhận số lượng NKT phù hợp. Nếu các doanh nghiệp không sử dụng thì phải đóng tiền cho địa phương để sử dụng nguồn tiền đào tạo nghề cho NKT, hay xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh cho NKT làm việc”, bà Khánh nhấn mạnh.