Còng tay nhà báo, dẫn giải như tội phạm là vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí

“Việc dẫn giải phóng viên Lũy trong tư thế bị còng tay và tạm giữ nhiều giờ liền tại trụ sở công an như là tội phạm đã gây bức xúc trong đội ngũ phóng viên của báo Công lý nói riêng và báo giới nói chung, nhưng để khách quan và tôn trọng uy tín của hai cơ quan, nên Ban Biên tập quyết định chưa cho đăng tin, bài phản ánh ngay mà có văn bản gửi Giám đốc Sở Công an tỉnh An Giang yêu cầu làm rõ”- Công văn nhấn mạnh.

Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng vụ việc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà báo. Bộ Công an yêu cầu Công an tỉnh An Giang kiểm tra, báo cáo toàn bộ sự việc trước ngày 10/6/2011.

Bộ Công an vừa có văn bản số 1583 phản hồi nội dung bài “Công an còng tay nhà báo, dẫn giải như tội phạm” đăng trên Báo PLVN ngày 2/6/2011. Theo văn bản do Đại tá Đàm Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an ký, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Giám đốc Công an tỉnh An Giang chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin được nêu trên báo PLVN và thông báo kết quả cho Văn phòng Bộ trước ngày 10/6/2011 để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và thông tin cho báo chí.

Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 2/6/2011, Hội Nhà báo Việt Nam cũng ra văn bản 04 lên tiếng: “Vụ việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà báo, gây bức xúc trong dư luận hội viên-nhà báo và công luận”. Cũng theo Hội Nhà báo, để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí, cản trở quyền hành nghề đúng pháp luật hội viên – nhà báo và sớm thông tin kết quả điều tra xử lý với Hội Nhà báo Việt Nam để thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong một công văn gửi tới nhiều cơ quan chức năng, lãnh đạo Báo Công lý cho hay, sau khi sự việc xảy ra Ban Biên tập đã mời phóng viên về văn phòng để tường trình sự việc, đối chiếu với hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình nhận thấy sự việc nói trên là có thật và hành vi, cách xử sự của Công an huyện Tịnh Biên là hoàn toàn vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo và cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.

“Việc dẫn giải phóng viên Lũy trong tư thế bị còng tay và tạm giữ nhiều giờ liền tại trụ sở công an như là tội phạm đã gây bức xúc trong đội ngũ phóng viên của báo Công lý nói riêng và báo giới nói chung, nhưng để khách quan và tôn trọng uy tín của hai cơ quan, nên Ban Biên tập quyết định chưa cho đăng tin, bài phản ánh ngay mà có văn bản gửi Giám đốc Sở Công an tỉnh An Giang yêu cầu làm rõ”- Công văn nhấn mạnh.

Như PLVN đã phản ánh, trưa ngày 29/5, khi đang tác nghiệp tại khu vực trước cổng Ban tổ chức Hội chợ thương mại Quốc tế Đồng bằng sông Cửu Long-Tịnh Biên 2011 (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), anh Trần Công Lũy  - phóng viên báo Công Lý - bị 2 người đàn ông giật camera, ngăn cản không cho quay phim, chụp ảnh dù xung quanh khu vực này không có biển cấm. Sau đó, họ gọi Cảnh sát 113 và bảo vệ Hội chợ đến trấn áp, còng ngược tay ra sau và giật camera của anh Lũy…

Phát hiện có phóng viên báo Nông thôn ngày nay ghi hình, lực lượng trên tiếp tục xông đến giật camera dù người này đã xuất trình thẻ nhà báo. Trước sự phản đối gay gắt của người dân, nhóm bảo vệ đã bỏ đi, phóng viên Công Lũy vẫn bị cảnh sát 113 còng tay, áp giải và kéo lê như tội phạm đến trụ sở Công an thị trấn Tịnh Biên. Được biết, 2 người đã còng tay anh Lũy là cán bộ Công an huyện Tịnh Biên và Công an tỉnh An Giang.

Phi Hùng

Đọc thêm