Bất chấp cái lạnh cùng với những cơn gió mạnh từ biển thổi vào, không khí lao động trên công trình cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý (NVT-TTL) vẫn diễn ra rất sôi động, khẩn trương và kéo dài suốt 24/24 giờ mỗi ngày.
|
Thi công đế trụ S6. |
Mặc dù đã được lãnh đạo chủ đầu tư là Ban Quản lý các công trình xây dựng giao thông giới thiệu kỹ quy mô công trình, tiến độ công việc, thế nhưng khi theo chân kỹ sư Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng Kỹ thuật của Ban đưa đi “mục sở thị”, chúng tôi vẫn bị bất ngờ với những gì đang diễn ra tại đây. Trên toàn công trình, hơn 200 công nhân của nhà thầu chính là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 và 6 nhà thầu phụ, cùng với xe cơ giới, xe đào, xe ủi, thiết bị phá đá, khoan cọc... đang hối hả làm việc.
Tại bờ tây, việc đóng cọc khoan đang tiến hành rất khẩn trương, thì cùng lúc, nhiều hạng mục khác cũng được triển khai như di chuyển khối lượng đất đá để tạo mặt bằng, tháo dỡ các nhịp cầu Trần Thị Lý để thi công tiếp phần móng S1. Theo đại diện của nhà thầu chính cho biết, chỉ riêng việc tổ chức cho các đơn vị cùng lúc thi công đã là một vấn đề không đơn giản, tuy nhiên nhờ duy trì giao ban thường xuyên trong ngày nên mọi việc luôn diễn ra trôi chảy và an toàn.
Tuy nhiên, thực sự ấn tượng với chúng tôi là không khí làm việc rất khẩn trương và tấp nập tại vị trí trụ S5 - phần được xem là hạng mục quan trọng nhất cũng là điểm nhấn độc đáo của công trình với tháp cao 154 mét, phía trên có sàn vọng cảnh. Nhằm bảo đảm tiến độ tại vị trí trụ S5, có đến 3 đơn vị cùng lúc thi công khoan cọc là Công ty Cơ giới 1, Công ty Hồng Hà và Công ty CP Xây dựng số 1. Để giải quyết bài toán mặt bằng, nhà thầu chính đã tiến hành san lấp đất ra giữa sông ở vị trí trụ S5 để hai đơn vị thi công, đơn vị còn lại thì đặt thiết bị trên những sà lan lớn.
Tiếng máy bắn đá, tiếng máy nổ hút nước và tiếng thiết bị khoan tạo nên một âm thanh sôi động. Theo kỹ sư Lê Văn Phẩm, giám sát kỹ thuật của Công ty Cơ giới số 1 cho biết, do điều kiện làm việc giữa sông nước và đặc biệt là địa hình địa chất tại đây quá phức tạp khi mặt trên là bùn nhão nhưng xuống sâu khoảng 30 mét dưới lòng sông bắt đầu gặp vỉa đá cứng, hơn nữa mặt bằng thi công chật chội, nên các đơn vị phải chọn lựa những công nhân và kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, được điều từ các công trình lớn trên cả nước, số còn lại là những người từng thi công cầu Thuận Phước để bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình.
Tại vị trí S6 - trụ quan trọng thứ hai trong số 13 trụ chính của cầu - công nhân hối hả sắp đặt và hàn những thanh sắt làm đế trụ rộng tương đương một sân bóng đá mi ni. Phía trên là 4 kỹ sư giám sát kỹ thuật và an toàn lao động đang chăm chú theo dõi mọi diễn tiến công việc, và cả việc trông chừng bờ bao để phòng nước sông tràn vào. Giải thích với tôi về điều kiện làm việc ở đây, kỹ sư Dũng cho biết: Thi công đế trụ nằm sâu dưới lòng nước như thế này luôn là áp lực lớn cho tất cả các bộ phận, từ công nhân trực tiếp thi công đến cán bộ giám sát kỹ thuật, vì nếu xảy ra một sự cố nhỏ tại vị trí này cũng không lường hết được tổn thất và nguy hiểm.
Theo Ban Quản lý dự án, công trình đang trong giai đoạn nước rút để phấn đấu hoàn tất toàn bộ phần hạ bộ trong tháng 6-2011, nhằm tránh mùa mưa lũ tới. Chính vì vậy, đến 28 tháng Chạp công nhân mới nghỉ và mồng 6 Tết đã đồng loạt ra quân trở lại với 3 ca mỗi ngày. Nhờ những nỗ lực này, đến thời điểm hiện nay, ngoài phần khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở bờ tây và nhập vật tư chuyên dụng đang được tích cực tháo gỡ, thì tất cả các hạng mục đều đúng tiến độ. Cụ thể, đến nay đã thi công xong các trụ S9, S10, S11, S12 và S13, các trụ còn lại đang trong quá trình hoàn thành. Trong số này, phía bờ đông đã đổ xong 60/70 cọc, phía bờ tây đổ xong 93/144 cọc.
Các đơn vị đang dồn sức hoàn thành 61 cọc còn lại càng sớm càng tốt để tránh mùa mưa bão. Đây là số lượng cọc không lớn nhưng lại không đơn giản vì hầu hết các cọc này đều nằm ở phần giữa sông, có địa chất phức tạp. Mặc dù vậy, theo kỹ sư Nguyễn Văn Dũng, các đơn vị thi công vẫn có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ, vì công tác tập kết thiết bị chuyên dụng (vốn khó khăn với công trình cầu) đã hoàn tất. Tại phía bờ đông đã tập kết đủ 3 dây chuyền khoan cọc nhồi, 4 cần cẩu 50 tấn và 3 sà lan 800 tấn, 1 trạm trộn bê-tông; phía bờ đông cũng đưa 5 dây chuyền khoan cọc nhồi, 5 cần cẩu, 1 trạm trộn bê-tông, 2 máy đào... vào vị trí thi công.
Chia tay những người thợ, những kỹ sư trên công trường trở về văn phòng Ban Quản lý dự án nằm ngay phía tây cầu Nguyễn Văn Trỗi, kỹ sư Nguyễn Văn Dũng còn cho chúng tôi một bất ngờ nữa khi đưa đi thăm khối văn phòng. Có tất cả trên 50 cán bộ quản lý, kỹ thuật ở bộ phận gián tiếp, tuy nhiên ở đâu cũng vắng người. Đến lúc này kỹ sư Nguyễn Văn Dũng mới “bật mí”: “Ở đây không có khái niệm văn phòng, tất cả đều bám công trình, ngay cả họp giao ban cũng trên công trình, tất cả vì tiến độ và chất lượng của công trình”.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN