Những ngày cuối tháng 6 nắng, nóng như thiêu như đốt, nhưng trên công trường xây dựng, tu bổ, tôn tạo đền Gắm ở xã Toàn Thắng (Tiên Lãng), cán bộ, công nhân viên Công ty tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch vẫn tích cực để đẩy nhanh tiến độ công trình. Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình văn hóa, thông tin Hải Phòng khẳng định: “Với đà tiến độ này, 3 tháng sau, các hạng mục công trình chính của Đền Gắm sẽ hoàn thành đúng thời điểm mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.
|
Phá dỡ đến đâu san nền đến đó |
Dự án tôn tạo đền Gắm do Bộ Văn hóa- Thể thao – Du lịch phê duyệt thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012. Được đăng ký là một trong 3 công trình kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội của thành phố, nên thời hạn để thực hiện một số hạng mục công trình chính chỉ trong vòng 7 tháng kể từ khi khởi công dự án tu bổ, tôn tạo, đến cuối tháng 10 - 2010 phải hoàn thành. Ông Hiển cho biết đã từng triển khai nhiều công trình tu bổ, tôn tạo trên địa bàn thành phố nhưng chưa công trình nào gấp rút về thời gian thực hiện như đến Gắm. Đặc biệt, dự án đến nay chưa được bố trí vốn của các công trình phục vụ Đại lễ, hiện đang tranh thủ vốn hỗ trợ các công trình mục tiêu của Chính phủ được 3,5 tỷ đồng/trên tổng số hơn 21 tỷ đồng được phê duyệt của dự án. Tuy nhiên, với mục đích, ý nghĩa lớn lao của công trình, đơn vị thi công ứng trước nguồn vốn, tích cực đẩy nhanh tiến độ.
Đến thời điểm này, 50% số hạng mục công trình chính của đền hoàn thiện với tổng giá trị xây lắp ước tính hơn 9 tỷ đồng. Một hạng mục quan trọng của dự án là đền chính đã xây, trát xong phần tường. Toàn bộ cột gỗ để dựng đền chính đã hoàn thiện thi công tại các xưởng, vừa được đưa về chờ lắp ráp. Các hạng mục công trình nhà tả, hữu vu, nhà bếp, nhà thủ từ, lầu hóa vàng thi công xong phần móng, đang thi công phần tường. Toàn bộ tường bao đền hiện xây được hơn 120 m dài. Vừa thi công các hạng mục công trình chính, đơn vị thi công tranh thủ thực hiện các công việc san nền, cắm mốc chỉ giới, quy hoạch lại hệ thống cây xanh, cây lâu năm hiện có trong vườn…
|
Trên công trường xây dựng đền Gắm |
Gấp rút về thời gian, nhưng việc tu bổ, tôn tạo đền Gắm được thực hiện nguyên tắc, tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng hạng mục, chi tiết của công trình văn hóa lịch sử này. Ông Dương Văn Hòa, Phó giám đốc Công ty tu bổ di tích và thiết bị văn hóa, người trực tiếp chỉ đạo thực hiện thi công cho biết: “Việc tu bổ, tôn tạo công trình bảo đảm giữ nguyên được nét kiến trúc lịch sử đúng như công trình vốn có từ đời Lý. Từ quy hoạch, thiết kế công trình trên dự án đến khi thực hiện không có sự sai lệch. Vì vậy, đền chính vẫn giữ nguyên phần móng hậu cung, trên đó có ngôi mộ của Ngô Lý Tín, vị tướng tài thờ tại đền qua nhiều thế kỷ. Toàn bộ việc tu bổ, tôn tạo bắt đầu được triển khai tính từ vị trí phần mộ này trở đi”. Ông Hòa kể lại, khi chuẩn bị thi công thực tế, nguyện vọng của nhân dân địa phương muốn xây dựng phần đền chính to, rộng hơn khá nhiều so với quy hoạch ban đầu của dự án. Tuy nhiên vì nguyên tắc tôn trọng, bảo tồn kiến trúc lịch sử của đền nên mọi việc được cân nhắc, tính toán kỹ, được sự đồng ý, cho phép của Cục Di sản mới xem xét lại quy hoạch, kiến trúc. Cuối cùng, đền chính được nhất trí tôn tạo dài, rộng hơn cũ chút ít, nhưng vẫn giữ được hình dáng kiến trúc đời Lý.
Thời điểm bắt đầu thi công đền Gắm vào đúng mùa hè. Đặc biệt là dịp hè năm nay thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhất trong nhiều thập niên gần đây, khu vực ngoại thành liên tục bị cắt điện luân phiên nhưng cán bộ, công nhân Công ty tu bổ di tích và thiết bị văn hóa luôn nỗ lực, quyết tâm cao để công trình thực hiện đến đâu dứt điểm đến đó. Ông Hòa khẳng định: “Công trình tuy có khó khăn về nguồn vốn nhưng được thuận lợi khâu giải phóng mặt bằng. Toàn bộ các công trình chính đang thi công không phải giải phóng mặt bằng. Phần diện tích cần giải phóng mặt bằng thuộc khu khuôn viên của dự án, chưa thi công đến. Đặc biệt là sự quan tâm, hợp tác tích cực của chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích đền với dự án”.
- Đền Gắm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. - Đền Gắm thờ Ngô Lý Tín, một vị tướng tài ba thời Lý có công giúp vua trừ giặc nước và lập nhiều công lớn. Khi mất, thi hài ông được đưa về an táng tại thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng (Tiên Lãng). Hiện phần mộ được lưu giữ trong hậu cung của đền hàng trăm năm qua. - Dự án tôn tạo, tu bổ đền Gắm do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm chủ đầu tư, có tổng số vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng trên diện tích thực hiện hơn 13 nghìn m2. |
Trải qua thời gian, đền Gắm xuống cấp, nhiều lần được tu bổ, tôn tạo bằng đóng góp của nhân dân địa phương… Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp, việc tu bổ chưa xứng tầm giá trị di tích. Với dự án đầu tư lần này của Trung ương, đặc biệt là ý nghĩa kỷ niệm lớn của công trình, các hạng mục chính đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến về đích đúng ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, thỏa lòng mong ước của nhân dân địa phương và khách thập phương lâu nay vẫn tôn kính đền Gắm, đồng thời là đóa hoa mừng Thủ đô thân yêu tròn tuổi thiên niên.
Bài và ảnh Hương An