Ngày 7/4, Báo Pháp luật Việt Nam có bài viết: “Công ty Hoàng Phát “thổi” XKLĐ lên cao để hướng đi du học?”. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, PV đã tiếp tục ghi nhận và thấy được nhiều hoạt động bất thường của công ty và các chi nhánh của công ty này trong việc tư vấn cho người có nhu cầu đi XKLĐ.
Ngay trên website: www.laodongvietnam.vn của công ty, vẫn thể hiện rõ các mục tư vấn nhu cầu đi XKLĐ Singapore, XKLĐ Malaysia, XKLĐ Cộng hòa Síp, XKLĐ Đài Loan, XKLĐ Nhật Bản. Không chỉ thế, ở một website: www.laodonghoangphat.vn, thông tin về XKLĐ vẫn hiện ra và ghi rất nhiều chi nhánh ở các tỉnh khác nhau của công ty này.
Mục XKLĐ trên web của công ty vẫn chưa hề bị gỡ. |
Để có cái nhìn khách quan hơn, PV báo Pháp luật Việt Nam đã mục sở thị văn phòng chi nhánh công ty này tại nhà 4 A1- khu nhà ở Mỹ Đình, P. Mỹ Đình (Q. Nam Từ Liêm – Hà Nội). Điều lạ thay, tư vấn về XKLĐ vẫn hoạt động rầm rộ.
Theo ghi nhận, văn phòng chi nhánh công ty XKLĐ Hoàng Phát đặt ở tầng 1 của tòa nhà. Các tầng khác của tòa nhà được sử dụng làm chỗ ở cho các học viên đang được đào tạo đi XKLĐ tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và du học sinh một số nước. Trong văn phòng, có 3 nhân viên nữ. Một học viên nữ đang đến để làm thủ tục XKLĐ, một thanh niên đang đến giao dịch đổi ngoại tệ. Nhân viên văn phòng đổi từ tiền VND để lấy ngoại tệ USD tại văn phòng công ty này. Phía ngoài cổng văn phòng, có một số học viên.
Công ty chính bị cấm, văn phòng vẫn tuyển dụng.
Trong vai một người có nhu cầu tìm hiểu thủ tục cho người nhà muốn được XKLĐ sang thị trường Nhật Bản, PV được một người phụ nữ tên Thoa quê Nghệ An đứng ra tư vấn kỹ sau khi nghe được các chỉ số cơ bản về trình độ học vấn, sức khỏe người có nhu cầu XKLĐ.
Như lời chị Thoa tư vấn, hiện tại đang có đơn hàng sang thị trường Nhật Bản, công việc qua đó phải làm là đóng gói hàng hóa. Đơn hàng này sẽ được tuyển dụng vào ngày 22/4 tới. Chị Thoa hướng dẫn thêm: “Nếu chưa ra kịp thì có thể bảo người lao động gửi ảnh với thông tin người XKLĐ ra trước. Nếu gửi ảnh thì gửi ảnh 4X6, ảnh phải đẹp vào”. Sau đó chị Thoa in cho PV một đơn hàng trước đó đã từng tuyển dụng để đưa về nhà tham khảo.
Khi hỏi về kinh phí cho đơn hàng tuyển vào 22/4 tới sang thị trường Nhật Bản, chị Thoa cho biết “mức phí khoảng 6800 USD. Ngoài mức phí đó ra, người lao động trước khi vào dự tuyển, phải đóng trước 10 triệu đồng để đặt cọc, 600 USD là kinh phí cho việc học tiếng và đào tạo trong vòng khoảng 3,5 – 6 tháng.
Tiền ăn, học viên phải tự túc. Học viên sẽ được đưa xuống cơ sở đào tạo ở Hà Đông”. Số kinh phí XKLĐ 6.800 USD được chia đóng làm 2 lần, lần đóng khoảng 3.500 USD, khi nào có visa gần bay thì đóng nốt số tiền còn lại. Kinh phí đi XKLĐ sang Đài Loan khoảng gần 6000 USD. Học viên, người lao động trước khi đi cần chuẩn bị một bộ hồ sơ về cơ bản và phải đi khám sức khỏe tại một số bệnh viện do công ty chỉ định. Kinh phí khám sức khỏe hết khoảng 800.000 đồng.
Trên website: www.laodonghoangphat.vn, có rất nhiều chi nhánh của công ty này. |
Trước thắc mắc của PV chị Thoa giải thích, văn phòng này là chi nhánh của công ty XKLĐ Hoàng Phát có trụ sở chính tại 75/45 đường Bùi Huy Bích (phường Hoàng Liệt – Hoàng Mai – Hà Nội). Để thêm độ tin cậy chị Thoa khẳng định: “Bên này là văn phòng phụ trách tư vấn, tuyển dụng. Nếu xảy ra kiện cáo, tranh chấp thì mới đến tổng công ty để giải quyết”.
Theo lời chị Thoa, hiện công ty chính không tuyển được học viên đi XKLĐ. Hỏi về người đứng đầu tại văn phòng này là ai, chị Thoa cho biết, văn phòng này do nhiều người cùng đứng tên để hoạt động.
Khi hỏi về đơn hàng đi XKLĐ sang Hàn Quốc, chị Thoa giải thích rằng hiện một số địa phương thuộc một số tỉnh miền Trung đang bị Chính phủ Hàn Quốc cấm. Tuy nhiên, khi PV cố tình nhắc đến thị trường này liền được chị Thoa tư vấn rằng: “Nếu đi thì đăng ký hồ sơ ngay từ bây giờ”.
Đơn hàng XKLĐ “kiểu Đại Sứ Quán”...?
Tiếp xúc với một học viên tên PH, quê ở Thanh Chương, Nghệ An đang học tiếng để đi XKLĐ sang Nhật Bản. PH cho biết, anh SN:1996, mới học xong THPT. Theo lời PH giải thích thì chiều cao cân nặng không quan trọng, miễn là không bị bệnh HIV là được.
Anh PH cho biết đơn hàng của mình đang đi hết kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Theo đó đây là đơn hàng “kiểu Đại Sứ Quán” (?). Thế nhưng khi PV hỏi đơn hàng này là như thế nào thì PH không giải thích được. PH chỉ biết, lúc vào nhập học mình đã nộp cho công ty 20 triệu đồng.
Anh PH cho PV biết nhiều thông tin về hoạt động "chui" trong XKLĐ của chi nhánh công ty này. (Ảnh cắt từ clip) |
Còn theo lời anh K. đang là học viên của công ty cho biết, vẫn có thể đi XKLĐ được nếu có nhu cầu, chỉ cần mình muốn đi đâu à sẽ được hướng dẫn đi. “Lớp N39 vừa vào học đấy...” – Anh K nói thêm.
Ngoài ra, học viên K. này cho biết, đi XKLĐ là học chung một lớp với du học. Người vào trước phải chờ người vào sau, có người phải chờ đến 3 tháng để người sau theo kịp chương trình học. “Bây giờ anh sang vẫn còn kịp lớp mới, khỏi phải chờ”, K. chia sẻ.
Có thể nói rằng, văn phòng công ty Hoàng Phát có địa chỉ tại nhà 4 A1- khu nhà ở Mỹ Đình, phường Mỹ Đình (Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) biết việc Công ty Hoàng Phát có trụ sở chính tại 75/45 đường Bùi Huy Bích hiện đã bị cơ quan chức năng rút giấy phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Thế nhưng, văn phòng này lại ngang nhiên hoạt động tuyển dụng XKLĐ.
Báo PLVN tiếp tục cập nhật thông tin./.