Công ty (kỳ 40)

Trung tâm thương mại rộng lớn. Ánh đèn trắng lạnh khiến mọi đồ vật được luồng sáng ấy chiếu vào đều toả ra mùi thơm của thế giới hàng hoá sang trọng tràn ngập khắp nơi. Tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng át hẳn tiếng mưa rào ồn ã ngoài kia.
Kỳ 40: Hoàng Anh - Chốn ẩn náuTrung tâm thương mại rộng lớn. Ánh đèn trắng lạnh khiến mọi đồ vật được luồng sáng ấy chiếu vào đều toả ra mùi thơm của thế giới hàng hoá sang trọng tràn ngập khắp nơi. Tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng át hẳn tiếng mưa rào ồn ã ngoài kia. Một vài nhân viên bán hàng ở các quầy mỹ phẩm và thời trang cao cấp mỉm cười, cúi đầu chào khi tôi đi ngang qua. Tôi gật nhẹ hờ hững, thoáng chút kiêu hãnh. Càng ngày, tôi càng hiểu sâu giá trị của tiền bạc. Không chỉ đơn thuần là cảm giác tự do và tự tin, tiền bạc thoải mái cho phép tôi tận hưởng đủ loại dịch vụ cao cấp, những chăm sóc tận tình, và cả sự tôn trọng. Nhớ hồi tôi mới chân ướt chân ráo vào Red Sun, Ms. Bảo thường cạnh khoé kiểu “Nhìn lại mình đi em, gót chân còn đóng phèn kìa!” hay “Mái tóc đầy mùi dầu dừa”. Thế rồi bằng những khoản thu nhập từ lương và thưởng hậu hĩ dành cho một manager đã giúp tôi tẩy rửa mau chóng các dấu tích nhà quê mơ hồ nhưng luôn bị nhiều con mắt kiểu Ms. Bảo nhòm ngó, soi mói. Ban đầu chỉ là quần áo đẹp, đến mỹ phẩm cao cấp, rồi tôi cũng đã quen với việc đều đặn mỗi tháng đi tới spa để chăm sóc da và tóc. Tôi biết mình đẹp lên khi loáng thoáng nghe thấy nhận xét ác ý của các nữ nhân viên trong Red Sun. Tôi ý thức rõ hơn sức hấp dẫn của chính mình khi nhìn vào vẻ mặt ngưỡng mộ nơi các khách hàng đàn ông mà tôi tiếp xúc. Những khoản chi không nhỏ, nhưng đáng giá. Dần dần, tôi cũng bỏ qua được thói quen so sánh ăn sâu vào đầu từ thời còn khốn khó. Nếu cứ tính toán một thỏi son nhỏ xíu trị giá vài trăm ký thóc ngoài quê, hẳn chẳng bao giờ dám mua sắm gì. Càng sống nhiều, tôi càng hiểu phải yêu bản thân hơn hết. Hồi đầu, khi nhận biết phía sau những cái gập người cúi chào và nụ cười thân thiện của các nhân viên phục vụ chỉ là thói quen nghề nghiệp được huấn luyện kỹ lưỡng đến vô cảm, tôi có thoáng chạnh lòng. Thế rồi tôi tự nhủ, đừng quá đòi hỏi những điều không có lợi và không cần thiết. Càng sòng phẳng, càng dễ sống. Tôi bỏ tiền mua dịch vụ, tôi được đối xử chu đáo, thế là đủ. Tình cảm hấp dẫn đấy, nghe hay ho đấy, nhưng chỉ là thứ phù phiếm. Càng ngày, tôi càng coi nhẹ những xúc cảm, của những người chung quanh. Và của chính tôi.
Hình ảnh tôi in bóng rõ nét bên dưới những phiến đá lót sàn cẩm thạch trắng kem. Những bước chân dài, mạnh mẽ, tràn đầy tự tin. Tôi ghé vào một quầy hàng trang phục nữ, chọn nhanh một lúc năm cái áo bằng loại vải lụa óng ả, màu sắc khá sặc sỡ, có đính nhiều ren và hạt đá lấp lánh. Không hợp với gu thẩm mỹ của tôi chút nào, nhưng tôi vẫn mua. Về quê, những áo quần kiểu này gây ấn tượng mạnh về sự giàu sang hơn là những bộ trang phục hàng hiệu kiểu dáng thanh nhã tinh tế nhưng màu sắc u trầm. Tôi rút thẻ thanh toán, sau đó đi thang cuốn lên siêu thị nằm ở tầng trên cùng của trung tâm thương mại. Sữa bột cho má. Trà và cà phê hộp sẽ đem biếu tặng hàng xóm. Bánh kẹo cho tụi nít nhỏ. Hai bịch xốp lớn đầy ắp hàng hoá, mà chưa đầy ba trăm ngàn đồng. Tôi chợt nhớ những lời ca tươi vui hớn hở trong một bản nhạc hồi sinh viên đi ở trọ, vẫn nghe nhà chủ lâu lâu mở vang inh ỏi. Bài “Cô Thắm về làng”. Tôi mỉm cười một mình. Ừ, tôi sắp về làng đây. Tôi muốn hàng xóm láng giềng sẽ nhìn tôi ngưỡng mộ, lời trầm trồ rồi lan đi khắp nơi. Công sức ba má nuôi tôi ăn học thành tài, đền đáp đâu chỉ là tiền bạc, mà chính là những lúc làm cho ba má tự hào, nở mặt nở mày với những người xung quanh. Ở quê, tiếng tăm quan trọng lắm. Hơn ai hết, tôi biết quá rõ điều này. Khệ nệ xách hành lý xuống tầng trệt, tôi bước ra ngoài trung tâm thương mại. Tôi dừng lại ở máy rút tiền tự động gần cửa kính xoay. Tôi quyết định rút ba triệu tiền mặt. Sáng sớm mai, xe khách chất lượng cao sẽ đến đón, đưa tôi về thẳng quê. Một thằng bé bán vé số ăn mặc tồi tàn đứng co ro đụt mưa dưới mái hiên, chốc chốc tò mò liếc nhìn tôi, rồi lấm lét nhìn những tờ bạc lớn tôi đang xếp vào ví. Rút điện thoại gọi taxi, tôi vừa cau mày, ném về phía nó cái nhìn sắc lạnh, đe doạ. Thằng nhỏ vé số cụp mắt nhìn xuống đôi bàn chân lấm lem, vẻ tủi nhục biết thân biết phận. Tôi thoáng giận dữ, bàn tay siết chặt vào quai túi khoác trên vai. Thằng nhỏ muốn cướp tiền của tôi chắc. Đừng hòng! Chẳng ai giật được thứ gì từ tay tôi đâu. Đột nhiên, khi nhìn tập vé số trong tay thằng bé, tôi chợt nhớ tấm vé số độc đắc ngày nào tôi lấy trộm của Lim. 50 triệu đồng. Một chiếc taxi trờ tới. Cánh cửa bật mở. Tôi hối hả chui vào trong xe. Thật kỳ dị, ruột gan tôi vô cớ đau thắt, khiến tôi gần như gập đôi người lại. Hiếm khi nào một ý nghĩ lại có thể quật ngã được tôi như ý nghĩ vừa lướt qua đầu. Ừ, thật ra, về sâu xa, tôi cũng có hơn gì thằng nhỏ vé số kia đâu. Tôi cũng đã từng trộm cắp. Có khác chăng, giờ đây tôi khá lên, ăn mặc sang trọng mà thôi. Còn bên trong, tôi vẫn là một kẻ tồi tệ, đáng bị khinh rẻ. Tôi ôm bụng, run lên từng chặp. Đôi mắt người tài xế liếc nhìn kính chiếu hậu, quan sát tôi. Tôi lại chợt nhớ cái hôm đi lãnh tiền trúng thưởng ở công ty sổ số kiến thiết, tôi đã về bằng taxi, và người tài xế cũng quan sát tôi qua kính chiếu hậu như thế này. Dòng đời ào ạt cuốn tôi trôi băng bang’, rồi lại ném trả tôi về điểm cũ hay sao? Tiền bạc. Chức vụ. Những thành công tôi đã giành được giữa hai điểm thời gian của hai lần ngồi taxi có ý nghĩa gì? Mưa ngập. Kẹt xe kéo dài. Taxi chở tôi về đến cổng biệt thự nhỏ của Kat Trần khi đã tối muộn. Điện thoại trong túi áo thình lình rung lên từng hồi. Chẳng có việc gì trên công ty mà phải gọi tôi vào giờ này. Từ hai hôm trước, tôi đã nộp giấy cho CD Nguyên và Peter Yeo xin nghỉ phép một tuần. Các job dang dở của phòng Sales cũng đã được hoàn thành hoặc gia hạn. Toan làm lơ, nhưng rồi tôi cũng cầm máy, liếc sơ qua. Hoà gọi. Tôi cau mày khó chịu. Anh ta muốn gì chứ? Chẳng lẽ anh ta tin rằng chỉ cần đụng mặt trong các cuộc họp dự thầu, cùng ăn bữa trưa với Ms.Bảo, cùng làm việc trong môi trường công ty thiết kế quảng cáo, thì tôi và anh ta có thể gắn kết tình cảm như ngày xưa ư? Thật là ý định hão huyền. Tôi nhấn nút reject. Điện thoại im bặt. Năm phút sau, khi tôi đã vào trong nhà, đang thay quần áo, điện thoại lại báo có tin nhắn. Hoà gửi: “Em hãy nghe điện thoại của anh. Anh biết sáng mai em về quê. Anh có vài việc gấp phải nói với em!”. Tôi lưỡng lự một chút, rồi bấm máy gọi lại cho Hoà. Tôi nói trước, phủ đầu: -Anh muốn gửi em mang vài thứ về quê sao? -Không… Anh vẫn nhớ là em không bao giờ thích ôm xách hành lý nặng nề. Anh chỉ muốn nói với em điều này – Giọng Hoà lưỡng lự. Anh ngập ngừng như sắp nói điều gì đó, rồi dừng lại, phân vân dò đoán cảm xúc của đầu dây bên kia. -Điều gì vậy? Quan trọng lắm hả? – Tôi hỏi bằng giọng công việc, không che giấu sự lạnh lùng. -Anh muốn nói về chuyện của hai đứa, liên quan đến hai nhà mình ngoài quê! – Hoà nói nhanh. Cảm giác khó chịu thật sự xâm chiếm tôi. Tôi đoán đâu có sai. Những người đầy tình cảm như Hoà luôn có lối cư xử ngầy ngà. Anh ta luôn tìm mọi cơ hội để thực hiện cái điều ngu xuẩn được gọi một cách mỹ miều là “hàn gắn”. Hoà không đủ nhạy bén để hiểu rằng một khi tình cảm đã hết, thì bất cứ điều gì cũng không thể làm cho người phụ nữ quay trở về hay sao? Vây giờ, lại viện cớ tình cảm hai gia đình để lôi tôi ngoảnh lại nữa chứ. Tôi hít một hơi dài, nói dứt khoát: -Gia đình ngoài quê không sớm thì muộn cũng sẽ biết mối quan hệ của anh và em không còn nữa. -Ừ, anh hiểu điều đó lâu rồi. Từ hồi em rời bỏ anh – Hoà nhẫn nại. Thật lạ, vào thành phố bao nhiêu năm, giọng của anh vẫn giữ nguyên chất quê, chẳng có gì thay đổi – Nhưng Hoàng Anh này, em ráng nghe anh nói điều này thôi, được không? -Anh nói đi, mau lên. Em không có nhiều thời gian đâu. Em còn phải xếp hành lý nữa! – Tôi nói rõ. -Chúng ta là người trong cuộc, đã vượt qua giai đoạn khó khăn được rồi. Nhưng em ạ, ba má anh và bên nhà em chưa biết gì hết. Hôm rồi anh về quê, cả hai gia đình vẫn hỏi han, hối thúc chuyện cưới xin. Thật ra, anh cũng rất muốn nói thật. Nhưng giá mà em nhìn thấy niềm vui, sự hy vọng của ba má anh và bên nhà em. Hoàng Anh ơi, anh chẳng nỡ làm người lớn thất vọng… - Giọng Hoà thầm thì, sợ hãi. -Anh đã nói gì? -Anh nói với má em rằng chúng ta vẫn giữ quan hệ như thời còn học đại học. Nhưng vì em đang bận rộn việc công ty, nên chưa nghĩ đến đám cưới. -Thật quá lố bịch! – Tôi nghiến răng. -Anh xin lỗi. Anh không muốn má em bị sốc. Má đang bị bệnh tim hành hạ… -Thôi được rồi – Tôi cắt ngang – Em sẽ tự lo liệu vụ này. Dù sao thì cũng cảm ơn anh đã lo cho sức khoẻ của má em. Nhưng, anh nghe rõ nhé, lần này về quê, em sẽ tìm cách nói thật. Chẳng nên nuôi ảo vọng cho người khác làm gì. Sự thật dù không dễ lọt tai, nhưng vẫn phải chấp nhận nó là hơn! Tôi ngồi thừ bên mép giường. Cái di động nằm trong tay tôi, như một cục đá lạnh buốt, trĩu nặng. Vai tôi rờn lạnh vì gió ngoài cửa sổ thổi vào. Tôi nhận ra mình vẫn chưa kịp mặc áo. Nhưng tôi vẫn ngồi im, chống cằm, chìm sâu vào những suy nghĩ bộn bề. Bao lâu nay, tôi chẳng hề vướng bận khi nghĩ tới Hoà. Mối tình sinh viên lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng lúc này đây, tôi chợt nhận ra tôi không chỉ sống cho riêng mình. Điều tiếng ở quê nghiệt ngã lắm. Má tôi liệu có chịu được không? Ai chẳng biết hai gia đình của Hoà và tôi gần như đã đính ước, kể từ thời hai đứa vào thành phố học đại học. Tôi những tưởng có địa vị, có việc làm ở thành phố, mình đã trở nên độc lập, là người văn minh. Nhưng, ai có thể lảng tránh nguồn gốc của mình?
******
Gian bếp chật chội, cũ mốc, nhuốm đầy khói đen. Đồ đạc trống trải tuềnh toàng với dãy xoong nồi ám khói. Mọi thứ chẳng khác gì so với hồi tôi về nhà đợt trước, khi mới tốt nghiệp đại học, còn chưa đi làm. Ông táo vẫn là mấy viên gạch ống. Chỉ có cái bếp lò mới xây, để đun trấu. Đống củi nhỏ kế bên chốc chốc lại rột roạt vì chuột chạy. Tôi đẩy thêm củi vào bếp luộc bắp nếp, vừa tựa lưng vào cái bao bố đựng trấu no căng. Từ ngoài sân, má tôi lụm cụm bước vào, kéo cái ghế đòn ngồi xuống cạnh tôi. Lửa cháy bập bùng, hắt ánh sáng lồi lõm trên gương mặt má hốc hác. Mấy ngày rồi về quê, đông người qua nhà chơi, tôi bận rộn quá. Tranh thủ thăm thằng em, tôi đưa má qua bệnh viện đa khoa tỉnh, khám bệnh. Đúng như Hoà nói, má tôi bị tim. Tôi mua cho má một lần gần hai triệu tiền thuốc, vừa thuốc trợ tim, vừa thuốc bổ. Má cứ nắm tay tôi, ngăn lại, không cho mua: “Tiền con làm ra khó khăn, phải dành dụm chứ. Sao xài lớn qua vậy”. Tôi chẳng nói gì, trong lòng trào lên nỗi xót xa. Từ dạo làm sales manager, thu nhập khá lên, mỗi tháng tôi gửi bưu điện cho má một triệu đồng. Thế là khá rồi so với mức sống ở quê. Nhưng phải về nhà, nhìn má, tôi mới thấm thía cái sự thật là tiền nhiều khi chẳng giải quyết được gì cả. Mấy đêm ngủ chung với tôi cho đỡ nhớ, má cứ thì thầm: “Lúc nào cũng nhớ hai chị em con ở xa, đứa làm cực nhọc trên thành phố, đứa học ngoài tỉnh, có tiền cất trong tủ mà có thấy vui gì đâu…”. Mà cách tính toán của má cũng lạ. Tiền tôi gửi về sửa nhà đợt đó, má chỉ sửa nhà trước mà thôi. Gian bếp phía sau vẫn lợp lá xiêu vẹo. Ngoài cái ti-vi nội địa lúc chạy lúc tắt vô chừng, trong nhà chẳng có gì ra tấm ra món… Bắp chín, má vớt ra cho tôi một cái bắp khói nghi ngút. Lột vỏ, tôi ăn nhấm nháp. Bắp ngọt lịm, dẻo quánh chân răng. Bắp nóng khiến tôi suýt xoa. Má bật cười: -Ăn từ từ thôi, chừng rụng răng giờ! Bộ trên thành phố không có thứ này hay sao mà ăn ngon lành vậy con? -Có, nhưng mắc lắm má. Ba ngàn một trái bắp. Mà không được ngon mềm như thế này đâu! – Tôi cười. -Ba ngàn lận hả? Đắt gấp mười lần ở quê sao trời – Má kêu lên, rồi chợt băn khoăn - Con ơi, trên thành phố khó khăn thế, khi nào con với thằng Hoà mới mua được nhà mà làm đám cưới? -Cưới chi cho sớm, má! – Tôi cười lảng tránh – Phải lo công việc trước đã… -Việc gì rồi cũng cưới đi. 24 rồi. Già ngáp tới nơi. Mà có ai tốt bằng thằng Hoà đâu. Coi chừng đứa khác nó hớt mất, đó con! – Má lo lắng thật sự. Tôi lơ đãng nhìn đống lửa đang héo hắt dần. Có lẽ Hoà có lý khi chưa nói thật việc hai đứa. Mà sắp tới, tôi sẽ phải tính toán đến chuyện mua nhà thành phố, rồi rước má sống chung. Ngôi nhà và má là chốn ẩn náu cho tôi giữa những tranh giành. Mua nhà, sẽ cần khoản tiền rất lớn. Tôi phải kiếm cho ra, trong thời gian nhanh nhất. Khi có một ngôi nhà riêng, tôi cũng sẽ tự tin hơn khi đứng trước CD Nguyên.

Đọc thêm