Ngày 7/3 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có Công văn số 131 gửi các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) yêu cầu tạm dừng cho phép Hoa hậu Diễm Hương tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu.
Cục yêu cầu các Sở “có văn bản thông báo đến các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi hoa hậu, người mẫu; các chủ địa điểm (nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường…) không được tổ chức cho Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu”.
Hoa hậu cũng là nạn nhân
Lý do mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra là Hoa hậu Diễm Hương đã “không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc về đạo đức của người hoạt động nghệ thuật”. Cụ thể, vào năm 2010, Diễm Hương đạt giải Hoa hậu trong cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt. Năm 2011, Diễm Hương kết hôn nhưng trong bản đăng ký tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2012 đã khai không trung thực về tình trạng hôn nhân.
Cục Nghệ thuật biểu diễn căn cứ Quy chế 87/2008 về tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL để ban hành Công văn 131.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho biết, tuy chưa ra văn bản “tuýt còi” nhưng Cục này đã mời Cục Nghệ thuật biểu diễn sang họp để thống nhất cách hiểu về nội dung của Công văn 131.
Theo đó, việc Cục Nghệ thuật biểu diễn ra văn bản chứa nội dung cấm Hoa hậu Diễm Hương biểu diễn không chỉ sai căn cứ mà còn không đúng về thẩm quyền xử phạt.
Văn bản được Cục Nghệ thuật biểu diễn viện dẫn để ban hành Công văn 131 là Quy chế 87/2008 về tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp. Tuy nhiên, Quy chế này đã bị Nghị định 79 năm 2012 (có hiệu lực ngày 1/1/2013) bãi bỏ.
Mặt khác, quy định của Quy chế này chỉ đề cập đến việc tước danh hiệu, thẩm quyền tước danh hiệu Hoa hậu lại thuộc đơn vị tổ chức cuộc thi nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cấm Diễm Hương biểu diễn là sai căn cứ, sai thẩm quyền, ảnh hưởng đến quyền công dân.
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định: “Tôi đồng ý với việc đảm bảo kỷ luật, kỷ cương với những hành vi vi phạm pháp luật dù người đó là ai và ở đâu. Tuy nhiên, người có lỗi phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật và cơ quan Nhà nước phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình”.
Còn nhiều lệnh cấm “cười ra nước mắt”
Còn nhớ tháng 5/2007, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã có Công văn số 283 yêu cầu các trường “Không cho phép các học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại quán bar, vũ trường, quán karaoke và các tụ điểm dễ nảy sinh tệ nạn xã hội”.
|
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn |
Ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn khi ấy cho biết đó chỉ là một văn bản lưu hành nội bộ nhằm nhắc nhở lãnh đạo trường có kế hoạch quản lý chặt chẽ sinh viên, giúp các em tránh khỏi các cạm bẫy trong quá trình học và làm thêm. Tuy nhiên, sau một hồi ngỡ ngàng của dư luận và sau khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” thì “lệnh cấm” này cũng đã được thu hồi.
Chưa hết, đầu tháng 1/2013, Bộ VHTTDL lại công bố Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức trong đó quy định rõ “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”, không rắc và đốt vàng mã, không có quá …7 vòng hoa. Quy định này sau đó cũng bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” khẩn cấp vì tính thiếu thực tế của nó.
Ly kỳ hơn là chuyện tháng 9/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 33 trong đó quy định thịt và phụ phẩm tươi sống để ở nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) phải có văn bản khẳng định đây là một quyết định không có căn cứ, biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ”, cần phải sớm bãi bỏ.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định cơ quan nhà nước đã làm sai thì phải bồi thường, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
Có điều, người dân vốn có tâm lý “chờ được vạ, má đã sưng”, cho rằng những quyết định cấm đoán kia có sai thì cũng ảnh hưởng tới “cả làng” chứ không chỉ ảnh hưởng tới riêng mình, còn cơ quan nhà nước nếu chẳng may làm sai thì cứ thu hồi “lệnh cấm” là xong chuyện. Đó chính là cái “dở” để những lệnh cấm vô lý kia vẫn còn đất sống./.