Cứ 3 bác sỹ Trung Quốc có 1 người nhận tiền hối lộ

Các cáo buộc về việc nhân viên của GSK hối lộ các bác sỹ để họ kê thuốc của hãng dược này cho các bệnh nhân đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, nhưng với dư luận Trung Quốc, thực trạng này vốn chẳng phải chuyện gì mới mẻ.

Các cáo buộc về việc nhân viên của GSK hối lộ các bác sỹ để họ kê thuốc của hãng dược này cho các bệnh nhân đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, nhưng với dư luận Trung Quốc, thực trạng này vốn chẳng phải chuyện gì mới mẻ.

Ông Huang Dongliang kể rằng, chú của ông đã bị các bác sỹ tại một bệnh viện công phớt lờ trong nhiều ngày kể từ khi được nhập viện điều trị ung thư. Vì vậy, gia đình đã đưa cho bác sỹ một chiếc phong bì, trong đó có 480 USD.

“Chúng tôi nhận thấy ngay sự khác biệt. Bác sỹ bắt đầu kiểm tra, tư vấn kỹ lưỡng hơn và đưa ra một liệu trình hóa trị cụ thể”, ông Huang, sống tại thành phố Tuyền Châu, phía Đông Bắc Trung Quốc nói.

Những khoản thu nhập không chính thức như vậy được cho là đã rất phổ biến trong hệ thống y tế Trung Quốc. Các bệnh viện thi nhau thu thêm các khoản phụ phí vào giá thuốc và đặt hạn mức bán hàng cho nhân viên. Các bác sỹ và nhân viên tại bệnh viện nhận tiền từ những bệnh nhân trong danh sách chờ phẫu thuật.

Ngoài ra, các bác sỹ, các nhà quản lý cũng kiếm được kha khá từ việc nhận tiền lại quả từ các công ty dược để kê các loại thuốc đắt tiền cho bệnh nhân hay thậm chí là chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc nhiều hơn mức cần thiết.

“Những người nông dân và những người không có bảo hiểm y tế là những người phải gánh chịu nhiều nhất”, ông Liu Junhai, người đứng đầu Viện nghiên cứu về luật thương mại thuộc trường Đại học Renmin nói.

Ông Liu cũng nói rằng, những khoản “tiền ngoài” mà các bác sỹ nhận được thường bằng từ 30% đến gấp 10 lần lương chính thức của họ. Hồi năm ngoái, giám đốc một bệnh viện ở thành phố Cao Châu đã bị sa thải và 382 nhân viên của bệnh viện này đã phải hoàn trả 950.000 USD tiền “lại quả” mà họ đã nhận từ những nhân viên kinh doanh của các hãng dược. “Tại một bệnh viện với 1.000 nhân viên, 1/3 trong số này sẽ nhận các khoản tiền lại quả”, ông Ye Guanrui, giám đốc bệnh viện được dẫn lời nói.

Trong vụ việc của GSK, cảnh sát nói rằng các nhân viên của hãng dược phẩm Anh này đã trả tiền cho các bác sỹ, quản lý bệnh viện, các quan chức trong chính quyền và các tập đoàn dược để khuyến khích họ dùng sản phẩm của hãng. 4 nhân viên của GSK đã bị bắt.

Những người này bị cáo buộc đã rửa tiền qua các văn phòng du lịch để che giấu những khoản thanh toán bất hợp pháp. Glaxo tuyên bố các nhân viên tại Trung Quốc đã tự ý đưa hối lộ và vi phạm chính sách của công ty.

Minh Ngọc (theo báo nước ngoài)

Đọc thêm